Tìm hiểu một số vấn đề về phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh

977
Đánh giá bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – 2002). Vì vậy, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm là một nội dung đạo đức truyền thống của dân tộc. Kế thừa truyền thống đạo đức của dân tộc, Hồ Chí Minh đã nêu thành một nội dung của tư cách người cách mạng. Nói đi đôi với làm đối lập với nói mà không làm của những người hứa suông hoặc “nói một đàng làm một nẻo” của những kẻ cơ hội. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đàng làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe. Và thực chất họ đã tự tước mất vai trò của người lãnh đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, Hải Dương (Tháng 5/1957)

Người cho rằng “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. “Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Đây là một trong những nội dung của đạo đức cách mạng, chính là sự gương mẫu về mọi mặt của đảng viên, cán bộ, trong đó có lực lượng Công an nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, nêu gương thì trước hết phải là gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Trong đó chủ yếu trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với công việc.

Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày.

Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc; khoan dung, độ lượng.

Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “Dĩ công vi thượng” (Để việc công lên trên, lên trước việc tư), đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia trồng cây với nhân dân

Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương lấy gương “Người tốt, việc tốt” để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.        

Xây phải đi đôi với chống. Hồ Chí Minh đã sớm khởi xướng và kiên trì cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong mọi thời điểm cách mạng. Người chỉ rõ: “Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”. Vì chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh chính, đẻ ra trăm thứ bệnh và nhiều thói hư tật xấu trong cán bộ, đảng viên. Nguy hiểm hơn, “Những người mắc bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà “Tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”. Người đã tiên lượng, thấy trước tính nguy hiểm, độc hại của chủ nghĩa cá nhân khi nước ta hòa bình, thống nhất “Việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần là một khó khăn, đau xót”. Những dự cảm, tiên lượng đó của Người đã được thực tiễn chứng minh, làm rõ. Không lâu trước khi qua đời, Hồ Chí Minh đã cảnh báo “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh toàn tập – 2002).

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu; những “người tốt, việc tốt”. Từ những nhân tố mới làm gương mẫu nhân rộng ra, dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo, tạo nên khí thế cách mạng hào hùng trong sản xuất, công tác… rộng khắp trong cả nước. Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Người rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ, đảng viên không những về mặt phẩm chất, đạo đức, mà còn rèn luyện về phong cách làm việc. Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa phải có năng lực mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; trong đó phong cách làm việc là một nhân tố quan trọng cấu thành phẩm chất và năng lực cán bộ. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm. Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tiết kiệm, bản thân Người nghiêm túc thực hiện, từ việc ăn, mặc đến sinh hoạt, làm việc hàng ngày đều gương mẫu.

Sinh thời, khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945 đứng trước nạn đói đang hoành hành, Người kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương, nghiêm túc thực hiện một cách triệt để mặc dù phải làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút vì vừa trải qua một trận ốm nặng… Bộ đội, cán bộ ăn cơm độn ngô, khoai, sắn…, Người cũng yêu cầu nấu cơm độn 50% như mọi người; đồ dùng sinh hoạt cá nhân của Người cũng rất giản dị và rất tiết kiệm. Hồ Chí Minh thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức. Người đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Là vị Chủ tịch nước, nhưng Người cũng chỉ có vài bộ áo quần đơn sơ, giản dị, anh em phục vụ muốn đề nghị may mới, nhưng Người không cho và nói:

Bác có hai bộ là đủ dùng rồi. Hiện nay đồng bào ta còn thiếu quần áo mặc. Bác có như vậy là đủ và tốt lắm rồi! Bữa ăn của Bác như bữa ăn của mọi nhà: Bát canh, quả cà, con cá kho hoặc lát thịt kho…

Các đồng chí ở gần Người đều cho biết Người rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi vá lại mấy lần Người cũng không dùng tất mới. Người nói: Cái gì còn dùng được nên dùng. Bỏ đi không nên.

Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch kể lại rằng: Khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác, áo Bác rách, có nhiều khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay…

Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh có nhiều nét đã trở thành huyền thoại không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, chẳng có ham muốn danh lợi riêng cho mình; đó là tình thương yêu con người quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ, kết hợp chặt chẽ với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh không cần đến bất cứ sự trang sức nào. Người không phải cố ý sống khác đời để mọi người ca ngợi mà lối sống của Người là xuất phát từ một triết lý nhân sinh là lấy khiêm tốn, giản dị làm nền; lấy chừng mực đức độ làm chuẩn mực; lấy trong sạch thanh cao làm nguồn vui; lấy gắn bó con người, thiên nhiên làm niềm say mê vô tận; lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu và là hạnh phúc của mình…

Tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh đã làm cho Người trở thành một con người toàn vẹn với một cuộc sống mẫu mực tự nhiên trọn vẹn, từ khi bước vào đời cho đến khi đi vào cõi vĩnh hằng vĩnh biệt chúng ta. Chính vì vậy mà tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc, mãi mãi là tấm gương cho mọi người phấn đấu học tập và làm theo.

Thượng tá, TS Hoàng Giang Nam    

Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị