Tìm hiểu nội cung Điều 188 BLHS năm 2015 về “ Lấy lời khai người làm chứng”

4549
Đánh giá bài viết

Lấy lời khai người làm chứng là biện pháp điều tra do Điều tra viên, Cán bộ điều tra hoặc Kiểm sát viên tiến hành bằng cách gặp hỏi người làm chứng để thu thập những thông tin cần thiết cho việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án hình sự.

 

Ảnh minh họa.

 

Điều tra viên có thể lấy lời khai người làm chứng tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người làm chứng. Nơi tiến hành điều tra là nơi Điều tra viên đang tiến hành các hoạt động điều tra cụ thể như hiện trường vụ án, nơi đang khám xét, thực nghiệm điều tra hoặc tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà cuộc điều tra đang được tiến hành. Điều tra viên, cán bộ điều tra cũng có thể lấy lời khai người làm chứng tại nơi cư trú, nơi làm việc, nơi học tập của họ trong các trường hợp như: việc lấy lời khai không thể trì hoãn được; người làm chứng sức khỏe quá yếu hoặc gặp khó khăn trở ngại không thể đến được nơi triệu tập mà xét thấy không cần phải dẫn giải hoặc có nhiều người làm chứng cùng ở một nơi…Nếu người làm chứng đang bị tạm giữ, tạm giam hay thi hành án phạt tù thì lấy lời khai của họ tại nhà tạm giam giữ, trại tạm giam hoặc trại giam.

Trong một vụ án nếu có nhiều người làm chứng thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải triệu tập riêng từng người làm chứng vào các thời gian khác nhau, nếu phải triệu tập trong một ngày thì phải ấn định thời gian, địa điểm cụ thể cho từng người để họ không có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với nhau. Điều tra viên, cán bộ điều tra phải lấy lời khai riêng từng người, không được cùng một lúc lấy lời khai của nhiều người để tránh việc họ nghe được lời khai của nhau hoặc trao đổi với nhau trong lúc lấy lời khai.

Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải kiểm tra giấy triệu tập và chứng minh thư của họ để xác định đúng là người làm chứng cần lấy lời khai. Sau đó, giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại điều 66 BLTTHS và ghi rõ việc giải thích này vào biên bản.

Trước khi hỏi về nội dung vụ án, người lấy lời khai phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng rồi yêu cầu người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi. Câu hỏi của Điều tra viên, cán bộ điều tra phải rõ ràng, dễ hiểu, cụ thể và từng tình tiết của vụ án để người làm chứng nhớ lại được những gì họ đã biết và trả lời. Người lấy lời khai không được nôn nóng vì muốn người làm chứng khai những tình tiết theo ý chủ quan của mình mà đặt câu hỏi có tính chất gợi ý để người làm chứng trả lời theo. Khi người làm chứng trả lời về các tình tiết vụ án, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải hỏi rõ vì sao họ biết được tình tiết đó. Nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được thì những tình tiết họ khai ra không được dùng làm chứng cứ.

Trường hợp lấy lời khai của người làm chứng dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai cho người đại diện của họ. Người đại diện của người làm chứng phải có mặt. Sự có mặt của người đại diện tạo điều kiện cho người làm chứng bình tĩnh khai báo đúng các tình tiết về vụ án mà người này đã biết, đồng thời cũng bảo đảm cho việc lấy lời khai được khách quan, tránh hiện tượng gợi ý hoặc ép phải khai theo ý chủ quan của người lấy lời khai.

Để đảm bảo cho việc thực hiện các chức năng của Viện kiểm sát, điều luật quy định Kiểm sát viên có thể lấy lời khai của người làm chứng. Đó là các trường hợp: xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên, Cán bộ điều tra không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố bị can. Việc lấy lời khai người làm chứng của Kiểm sát viên nhằm bảo đảm tính chính xác và sự thật của vụ án. Khi Kiểm sát viên lấy lời khai người làm chứng cũng phải tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục do luật quy định như Điều tra viên, cán bộ điều tra lấy lời khai.

 

Điều 186. Lấy lời khai người làm chứng

1. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó.

2. Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với nhau trong thời gian lấy lời khai.

3. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 66 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.

4. Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên yêu cầu người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi.

5. Trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người làm chứng. Việc lấy lời khai người làm chứng được tiến hành theo quy định tại Điều này.

 

 

Quang Thắng