Tìm hiểu nội dung BLHS năm 2015 về “Tội gây rối trật tự công cộng”

7949
Đánh giá bài viết

Tội gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý phá vỡ tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

Ảnh minh họa.

 

Tội gây rối trật tự công cộng trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, qua việc vi phạm quy tắc sống lành mạnh, nếp sống văn minh, xã hội chủ nghĩa, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng. Trật tự công cộng được hiểu là tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật nơi công cộng.

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, tức là người đạt độ tuổi theo luật định và có năng lực TNHS.

Điều 318  BLHS quy định 2 trường hợp phạm tội như sau:

– Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng và đã gây ra hậu quả là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hành vi khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi gây rối trật tự công cộng có nghĩa là hành vi phá vỡ tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng. Hành vi này được thực hiện công khai ở nơi công cộng, thể hiện dưới nhiều dạng hành vi cụ thể khác nhau có thể bằng lời nói thô tục, chửi bới, la hét hoặc bằng hành động đập phá đồ đạc, tài sản, đánh nhau, xô đẩy người khác hoặc tạo ra âm thanh gây tiếng ồn lớn…

Hậu quả của tội phạm được quy định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, có nghĩa là hành vi gây rối đã dẫn đến tình trạng mất ổn định, hỗn loạn, vô tổ chức, vô kỷ luật ở nơi công cộng mà hành vi đó thực hiện.

– Trường hợp tuy hành vi gây rối trật tự công cộng chưa gây hậu quả là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhưng trước đó chủ thể là người đã bị xữ phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi gây rối trật tự công cộng là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện. Động cơ, mục đích của người phạm tội rất đa dạng nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này và do vậy, chúng không ý nghĩa trong việc xác định tội phạm.

Điều 318 BLHS năm 2015 quy định 2 khung hình phạt sau:

– Khung cơ bản, có mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. So với hình phạt tiền được quy định tại khoản 1 Điều 245 BLHS năm 1999 (từ 01 triệu đồng đến 10 triệu đồng) thì mức phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều 318 BLHS năm 2015 tăng gấp 5 lần. Việc sửa đổi hình phạt tiền theo hướng tăng mức tiền phạt là hoàn toàn cần thiết, bởi vì mức phạt củ  quá thấp không đủ răn đe người phạm tội cũng như những người kahcs có ý định phạm tội này trong tình hình hiện nay.

– Khung tăng nặng, có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng cho trường hợp phạm tội sau:

+ Có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm được quy định trong khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015;

+ Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách: dùng  vũ khí, hung khí như dùng súng thể thao quốc phòng, súng săn, súng kíp, súng hỏa mai, dao găm, mã tấu, kiếm, giáo mác, thuốc nổ và kíp mìn dùng trong sản xuất không phải là vũ khí quân dụng. Nếu dùng vũ khí quân dụng như súng ngắn, súng trường…để thực hiện hành vi gây rối thì người phạm tội không chỉ bị xử lý về tội này mà còn có thể bị xử lý về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (Điều 304 BLHS năm 2015); hành vi phá phách là hành vi hủy hoại các đồ vật ở nơi công cộng như đập phá tượng trong công viên, đập phá, đốt xe ô tô ở trên đường…Nếu hành vi sử dụng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách gây rối không chỉ gây ra tình trạng hỗn loạn, vô tổ chức, vô kỷ luật ở công cộng mà còn gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản cảu người khác thì người phạm tội còn có thể bị xử lý về các tội giết người, cố ý gây thương tích hoặc tội hủy hoại tài sản theo nguyên tắc phạm nhiều tội;

+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng được hiểu là cản trở, ách tắc giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng không phân biệt thời gian bao lâu;

+ Xúi dục  người khác gây rối là người xúi giục thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng được quy định tại khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015;

+ Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng, người phạm tội thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe doa dùng vũ lực uy hiếp tinh thần người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng. Người can thiệp bảo vệ công cộng có thể là bất kỳ người nào có hành vi cản trở như bằng lời nói góp ý, giải thích hoặc có các hành động khác ngăn cản như ôm, giữ người phạm tội đang thực hiện hành vi gây rối…

Trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng và hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng là người đang thi hành công vụ tức là người có trách nhiệm bảo vệ trật tự công cộng như công an, dân quân tự vệ…thì người phạm tội còn có thể bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 BLHS năm 2015 theo nguyên tắc phạm nhiều tội;

+ Tái phạm nguy hiểm.

 

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

 

Tiêu Dao