Tìm hiểu nội dung BLTTHS năm 2015 về “Điều 110. Giữ người trong trường hợp khẩn cấp”

67180
Đánh giá bài viết

Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn mới được quy định sữa đổi, bổ sung trong BLTTHS năm 2015 trên cơ sở biện pháp ngăn chặn bắt khẩn cấp của BLTTHS năm 2013. Điều luật quy định về căn cứ áp dụng, thẩm quyền áp dụng, thủ tục áp dụng biện pháp này với nhiều quyết định, hành vi tố tụng được thực hiện sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

 

Ảnh minh họa.

 

Điều 110 BLTTHS năm 2015  quy định các căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm:

+ Có căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được các chứng cứ chứng tỏ người đó đang tìm kiếm, chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội; lên kế hoạch, lôi kéo, phân công người khác nhằm thực hiện tội phạm…Tội phạm mà họ chuẩn bị thực hiện phải là tội phạm rất nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 07 năm đến 15 năm tù hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

+ Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. “Người cùng thực hiện tội phạm” là một bổ sung mới, cần thiết của BLTTHS năm 2015 vì người này cũng hoàn toàn có khả năng “chính mắt nhìn thất và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm”. Đây là trường hợp tội phạm đã xảy ra nhưng người phạm tội không bị bắt ngay (không bị bắt quả tang). Để có căn cứ giữ người trong trường hợp này phải thõa mãn cả hai điều kiện sau:

Thứ nhất, người cùng thực hiện tội phạm, người bị hại, người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm khẳng định chính xác họ đã nhìn thấy trực tiếp người đó thực hiện tội phạm. Nếu đồng phạm trong vụ án mà không có mặt tại nơi tội phạm diễn ra hoặc không chính mắt nhìn thấy thì xác nhận của họ cũng không là căn cứ để giữ người.

Thứ hai, cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn (người đó đang có hành động bỏ trốn, đang chuẩn bị trốn hoặc có những dấu hiệu bỏ trốn). Để xác định cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn, cần đánh giá một cách toàn diện về các mặt như: về nhân thân, đối tượng (không có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân xấu, có nhiều tiền án, tiền sự; là đối tượng chưa xác định được căn cước, lý lịch rõ ràng…); về tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội và loại phạm tội được thực hiện (thực tiễn cho thấy người phạm tội thường trốn như tội trộm cắp, lừa đảom, cướp, giết người, mua bán trái phép chất ma túy…); về hành vi thực tế: có căn cứ xác định người này đang chuẩn bị hành lý, liên hệ phương tiện đi lại, có mặt ở bến tàu, bến xe…

+ Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc ở nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Có dấu vết của tội phạm được tìm thấy có thể là dấu vết để lại trên thân thể khi người đó thực hiện tội phạm như dấu vết máu của người bị hại, vết thương do người bị hại gây ra…cũng có thể là công cụ, phương tiện, đối tượng của tội phạm. Thu thập dấu vết của tội phạm phải được tiến hành thông qua các biện pháp tố tụng được quy định trong BLTTHS. Xét thấy cần ngăn chặn việc bỏ trốn, xóa dấu vết tội phạm, đang cất giấu hoặc phá hủy công cụ, phương tiện phạm tội, đang tẩu tán hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có…

Thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra , thủ trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bấn cảng. BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp so với thẩm quyền bắt người trong trường hợp khẩn cấp của BLTTHS năm 2003 một số người đứng đầu các đơn vị hữu quan thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Đây cũng là sự bổ sung hợp lý xuất phát từ vai trò quan trọng của các chủ thể này trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu của hoạt động giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Việc giữ người cần phải có lệnh và không cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp. Việc thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải được tuân theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 BLTTHS năm 2015. Chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay, bến cảng đầu tiên tàu trở về.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay để có căn cứ ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt giữ người hoặc trả tự do ngay cho người đó.

Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp không cần sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhưng lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải được sự Viện kiểm sát phê chuẩn. Viện kiểm sát phê chuẩn trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được lệnh bắt và hồ sơ kèm theo. Thời hạn 12 giờ được tính liên tục kể cả trong và ngoài giờ làm việc. Để xem xét việc phê chuẩn trong trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ thấy có dấu hiệu lạm dụng việc bắt người bị giữ hoặc tài liệu chứng cứ trong hồ sơ bắt người bị giữ chưa thể hiện rõ căn cứ để bắt người hoặc có mâu thuẫn, Kiểm sát viên trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Biên bản ghi lời khai của người bị bắt giữ do Kiểm sát viên lập phải đưa vào hồ sơ vụ án. Viện kiểm sát có thể phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ, nếu không phê chuẩn, cơ quan đã ra lệnh bắt trả tự do ngay cho người bị bắt giữ.

 

Điều 110. Giữ người trong trường hợp khẩn cấp

1. Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:

a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

2. Những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

b) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

3. Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Việc thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật này.

4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

5. Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp gồm:

a) Văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;

b) Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ;

c) Biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp;

d) Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;

đ) Chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

6. Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp do Kiểm sát viên lập phải đưa vào hồ sơ vụ việc, vụ án.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Trường hợp Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì người đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra đã nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải trả tự do ngay cho người bị giữ.

 

 

Thanh Đạt