Tìm hiểu nội dung Bộ luật TTHS năm 2015 về “Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện”

1023
Đánh giá bài viết

Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện quy định tại điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự.

 

Ảnh minh họa.

– Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện phải có căn cứ luật định, có lệnh của người có thẩm quyền trong đó xác định cụ thể nơi tiến hành khám xét.

Chỗ ở được hiểu là khoảng không gian xác định nơi sinh hoạt, ăn, ở, nghỉ ngơi của cá nhân hoặc của hộ gia đình nơi cá nhân cùng sinh sống. Khoảng không gian xác định là chỗ ở có thể là nhà riêng, hoặc phòng ở, căn hộ trong khu tập thể, nhà công vụ, ký túc xá, buồng hoặc nhà trọ, phòng khách sạn, phương tiện giao thông hoặc các khoảng không gian xác định được làm bằng các chất liệu khác được sử dụng cho sinh hoạt, ăn, ở, nghĩ ngơi.

Nơi làm việc được xác định là phần không gian nơi cá nhân thực hiện công việc hang ngày.

Phương tiện được hiểu là phương tiện giao thông như tàu hỏa, tàu bay, ô tô, mô tô…

Địa điểm khám xét được hiểu là một nơi cụ thể không được sử dụng làm chỗ ở, chỗ làm việc nhưng có thể tìm thấy đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.

– Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến.

Cũng có thể tiến hành khám xét chỗ ở mà không có mặt người bị khám xét hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở. Đó là trường hợp những người này cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trid hoãn được. Trường hợp này phải bảo đảm hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là phải có căn cứ khẳng định người bị khám xét chỗ ở, người từ đủ 18 trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn, xác định được rõ lý do họ không có mật. Điều kiện thứ hai là việc khám xét không thể trì hoãn nhằm kịp thời phát hiện, thu thập đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án, cứu nạn nhân…Trường hợp này khi khám xét chỗ ở bắt buộc phải có mặt đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và phải có hai người chứng kiến.

Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở từ 22 giờ đến 6 giờ sang ngày hôm sau. Trong trường hợp khẩn cấp phải khám xét chỗ ở trong khoảng thời gian này thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

– Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Trường hợp không thể trì hoãn là trường hợp tương tự như khoản 1 Điều 195 BLTTHS trên.

– Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.

– Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.

Khi khám xét phương tiện có thể ời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia để hỗ trợ việc khám xét phương tiện.

– Khi tiến hành khám xét chỗ ở,nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.

Người không có thẩm quyền tham gia việc khám xét không được tự ý vào khu vực đang khám xét. Trong toàn bộ quá trình tiến hành khám xét phải bảo đảm họ không liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác.

 

Điều 195. Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện

1. Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nới khám xét và hai người chứng kiến.

Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

2. Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.

3. Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.

4. Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.

Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.

5. Khi tiến hành khám xét chỗ ở,nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.

 

Thanh Đạt