Tìm hiểu nội dung của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”

2668
Đánh giá bài viết

Hành vi bắt,giữ hoặc giam người trái pháp luật tại Điều 157 BLHS năm 2015 xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do của con người, của công dân rất quan trọng được Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định tại Điều 20.

 

Ảnh minh họa.

 

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường tức là người đạt độ tuổi theo luật định và có năng lực TNHS.

Điểm b khoản 2 Điều 157 BLHS năm 2015 quy định TNHS của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Cần phân biệt trường hợp phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 157 BLHS năm 2015 với trường hợp phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật quy định ở Điều 377 BLHS năm 2015. Hai hành vi phạm tội được quy định ở 2 điều này đều xâm phạm quyền tự do thân thể của con người, của công dân và đều do những người có chức vụ, quyền hạn cố ý thực hiện. Tuy nhiên, giữa hai tội phạm này có một số điểm khác nhau nhưng có những nội dung trùng nhau như điểm b, d khoản 1 Điều 377 BLHS năm 2015 và nội dung điểm b khoản 2 Điều 157 BLHS năm 2015.

Hành vi khách quan của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người, của công dân trái với thủ tục thẩm quyền bắt, giữ hoặc giam người đã được quy định trong BLTTHS năm 2015. Tính trái pháp luật thể hiện việc bắt giữ người trái thẩm quyền và trái về thủ tục tiến hành. Ví dụ: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110), bắt người phạm tội quả tang (Điều 111), bắt người đang bị truy nã (Điều 112), bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 113), tạm giữ (Điều 117) và thời hạn tạm giữ (Điều 118), tạm giam (Điều 119). Hành vi khách quan của tội phạm này bao giờ cũng được thực hiện bằng hành động tức là làm một việc mà pháp luật không cho làm như bắt, giữ hoặc giam người vô tội hoặc bắt người phạm tội (không thuộc trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã) mà không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân.

Thủ đoạn của việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa dối…Tuy nhiên thủ đoạn của việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm và do vậy nó không có ý nghĩa trong việc định tội.

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có cấu thành tội phạm hình thức, tội phạm hoàn thành ngay từ khi người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Trong trường hợp bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật bằng thủ đoạn dùng  vũ lực như đám, đá, đánh…gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt, giữ mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 134. Trường hợp này hành vi mà người phạm tội thực hiện đã cấu thành hai tội phạm nói trên.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi bắt, giữ, giam người khác là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.

Động cơ phạm tội rất đa dạng có thể do tư thù các nhân, do vụ lợi…Những động cơ này không phải dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm và do vậy nó không có ý nghĩa trong việc định tội.

Mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này, tuy nhiên trong một số tội phạm nhà làm luật xác định mục đích phạm tội của việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm và do vậy nó có ý nghĩa trong việc định tội danh.

Trong trường hợp bắt, giữ, giam người dưới 16 tuổi trái pháp luật với mục địch chiếm đoạt người dưới 16 tuổi thì không cấu thành tội này mà cấu thành tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153 BLHS năm 2015).

Điều 157 BLHS năm 2015 quy định 3 khung hình phạt:

– Khung cơ bản, có mức phạt cải tạo không giam, giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và so với hình phạt được quy định trong khoản 1 (khung cơ bản) Điều 123 BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), cho thấy khoản 1 Điều 157 đã bỏ hình phạt cảnh cáo và nâng mức cao nhất của khung hình phạt đến 03 năm tức tăng them 1 năm.

– Khung tăng nặng thứ nhất, có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng cho trường hợp phạm tội sau: Có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa nhưg người cùng thực hiện tộ phạm được quy định trong khoản 2 Điều 17 BLHS năm2015; Phạm tội có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội đối với người thi hành công vụ; Phạm tội đối với người thi hành công vụ; Phạm tội 02 lần trở lên; Phạm tội đối với 02 người trở lên.

Trong khoản 2 Điều 157 BLHS năm 2015 đã quy định thêm những tình tiết tăng nặng định khung mới như sau: Phạm tội đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Phạm tội làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

– Khung  tăng nặng thứ hai, có mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm áp dụng cho trường hợp phạm tội sau: Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 đến 05 năm.

 

Điều 157. Tội bắt,giữ hoặc giam người trái pháp luật.

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Quang Thắng