Tìm hiểu nội dung của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội buôn lậu”.

2387
Đánh giá bài viết

Tội buôn lậu tại Điều 188 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là hành buôn bán trái phép hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại.

 

Ảnh minh họa.

 

Tội buôn lậu có thể do bất kì người nào đạt độ tuổi theo luật định và có năng lực TNHS thực hiện. Đó là những người không thuộc trường hợp quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015 và đạt độ tuổi từ đủ 16 trở lên. Pháp nhân thương mại có thể phải chịu TNHS về tội buôn lậu theo quy định tại khoản 5 Điều 188 BLHS năm 2015.

Đối tượng của hành vi buôn lậu là các loại hàng hóa nói chung, không bao gồm cả các loại hàng cấm. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa quy định tội buôn lậu tại Điều 188 BLHS năm 2015 và Điều 153 BLHS năm 1999. Theo Điều 188 BLHS năm 2015, đối tượng của tội buôn lậu bao gồm: Các loại tiền bao gồm tiền Việt Nam, ngoại tệ (như USD, Euro…); Các loại kim khí quí, đá quí như vàng, kim cương, đồng đen, đá đỏ…; Di vật, cổ vật theo quy định của Luật di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009. Đối tượng di vật, cổ vật là những đối tượng tác động mới được bổ sung vào quy định tội phạm buôn lậu trong BLHS năm 2015.

Việc buôn bán trái phép thể hiện qua hành vi mua, bán các loại hàng hóa nêu trên qua biên giới quốc gia hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái với quy định của Nhà nước thông qua các thủ đoạn như sử dụng giấy tờ giả mạo đề xuất, nhập hàng hóa hoặc xuất, nhập hàng hóa không đúng với nội dung được phép v.v…nhằm tới việc thu được lợi nhuận bất chính. Trường hợp người vận chuyển thuê qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà nhận biết rõ mục đích của người thuê buôn bán kiếm lời thì bị coi là đồng phạm tội buôn lậu.

Tội buôn lậu (Điều 153 BLHS năm 1999) chỉ nêu dấu hiệu “qua biên giới”. Theo đó, biên giới có thể được hiểu là một trong các loại biên giới trên đường bộ, đường biển, đường không, qua bưu điện…Tuy nhiên, dấu hiệu này được mở rộng hơn trong quy định về tội buôn lậu tại Điều 188 BLHS năm 2015, hàng hóa buôn bán trái phép là đối tượng của tội buôn lậu phải kèm theo dấu hiệu”qua biên giới” hoặc “từ khu phí thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại”.

Khu phi thuế quan được hiểu là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài  bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan Hải quan  và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu (khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 06/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2016).

Ngoài những trường hợp buôn bán trái phép thông thường bằng những thủ đoạn gian dối, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan tại cửa khẩu biên giới trên bộ, cảng biển…thì còn xuất hiện những trường hợp buôn lậu hàng hóa dưới hình thức hàng hóa tạm nhập – tái xuất, hàng chờ xuất khẩu hoặc chờ nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là những loại hàng hóa phải làm thủ tục hải quan theo quy định của Nhà nước.

Hành vi buôn lậu bị coi là tội phạm trong các trường hợp sau đây:

+ Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khi quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng;

+ Trường hợp buôn lậu hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khi quý, đá quý trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng bị coi là tội phạm.

Hành vi buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại, nếu thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306 và 311 BLHS năm 2015 thì người phạm tội bị truy cứu TNHS về các tội phạm quy định tại các điều luật tương ứng nêu trên mà không bị xét xử về tội buôn lậu.

+ Đối với di vật, cổ vật thì không bắt buộc phải xác định giá trị cụ thể, mọi hành vi buôn bán trái phép các vật phẩm là di vật, cổ vật đều có thể bị coi là tội phạm, trừ các trường hợp được xem xét đánh giá là tính chất nguy hiểm không đáng kể thì không bị coi là tội phạm (khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015).

Lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận biết rõ việc buôn bán qua biên giới là trái phép nhưng vì động cơ, mục đích kiếm lợi bất chính nên vẫn thực hiện.

Điều 188 BLHS năm 2015 quy định tội buôn lậu với hình phạt tương đối nghiêm khắc và có nhiều thay đổi so với Điều 153 BLHS năm 1999: sửa đổi, bổ sung các tình tiết định khung hình phạt, lượng hóa các tình tiết định khung hình phạt, lượng hóa các tình tiết vật phạm pháp có số lượng lớn/rất lớn/đặc biệt lớn và thu lời bất chính lớn/rất lớn/đặc biệt lớn qua trị giá bằng tiền (khoản 2, 3, 4), bỏ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng/ rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng trong khoản 2, 3, 4; nâng mức phạt tiền (khoản 1, 5) đồng thời bổ sung hình phạt tiền là chế tài lựa chọn cùng với các hình phạt chính xác (khoản 2 và 3); bỏ hình phạt tù chung thân (khoản 4); bổ sung quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (khoản 6). Cụ thể:

– Người phạm tội bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức phạt tiền tại khoản 1 Điều 188 BLHS năm 2015 được nâng lên so với mức quy định từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng tại khoản 1 Điều 153 BLHS năm 1999.

– Quy định phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; vật phạm pháp là bảo vật quốc gia; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; thạm tội 02 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Buôn lậu có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người đó thường xuyên buôn lậu, lấy buôn lậu làm nguồn thu nhập chính, nguồn sống chính. Theo tinh thần nội dung hướng dẫn của Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sô 01/2006 thì có thể coi trường hợp phạm tội buôn lậu từ 5 lần trở lên không kể đã bị truy cứu TNHS, chưa được xóa án tích thì có thể coi đây là trường hợp buôn lậu có tính chuyên nghiệp.

– Quy định phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc trường hợp: vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

– Quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp vật phạm trị giá 1 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Tình tiết lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng được chuyển từ khỏa 2 Điều 153 BLHS năm 1999 thành tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 4 Điều 188 BLHS năm 2015. Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác là trường hợp người phạm tội đã thực sự lợi dụng những khó khăn do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác để thực hiện hành vi buôn lậu.

Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nahats định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Mức phạt tiền tại khoản 5 Điều này được nâng lên so với mức quy định từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng tại khoản 5 Điều 153 BLHS năm 1999.

– Khoản 6 Điều 188 BLHS năm 2015 quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại:

Pháp nhân thương mại phạm tội là hành vi phạm tội của người đại diện, nhân danh pháp nhân, được sự chấp thuận của pháp nhân, vì lợi ích pháp nhân…theo quy định của Điều 75 BLHS năm 2015.

+ Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hàng hóa trị giá dưới 200 triệu đồng nhưng là dị vật, cổ vật, hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của BLHS năm 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng;

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h, i khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng;

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tiền từ 7 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 BLHS năm 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

+ Pháp nhân thương mại còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung đó là: phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

h) Phạm tội 02 lần trở lên;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”.

 

Tiêu Dao