Tìm hiểu nội dung của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”

1294
Đánh giá bài viết

“Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” quy định tại Điều 193 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có nhiều điểm khác so với  “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” quy định tại điều 157 BLHS năm 1999.

 

Ảnh minh họa.

 

Sự khác biệt của Điều 193 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)  so với Điều 157 BLHS năm 1999 ở những điểm sau:

Tách tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thành 2 tội riêng biệt.

+ Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm:

– Làm rõ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

– Thay đổi khung hình phạt đối với trường hợp phạm tội thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

– Bãi bỏ hình phạt tử hình.

– Nâng mức phạt tiền đối với hình phạt bổ sung.

– Bổ sung mức phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

+ Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh:

– Làm rõ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

– Nâng mức phạt tiền đối với hình phạt bổ sung.

– Bổ sung mức phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Điều 193 BLHS năm 2015 có sự bổ sung về đối tượng tác động: không chỉ bao gồm lương thực, thực phẩm mà còn bao gồm phụ gia thực phẩm.

Phụ gia thực phẩm được hiểu là những chất không được coi là thực phẩm hoặc một thành phần của thực phẩm; có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng, được chủ động cho vào với mục đích đáp ứng yêu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến, xử lý, bao gói, vận chuyển, bảo quản thực phẩm; không bao gồm các chất ô nhiễm hoặc các chất bổ sung vào thực thẩm với mục đích tăng thêm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Phụ gia thực phẩm cũng được bổ sung vào cùng nhóm đối tượng là lương thực, thực phẩm trong Điều 193 BLHS năm 2015.

Đối tượng hàng hóa liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, nên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong Điều 193 có mức độ nguy hiểm cao hơn so với tội phạm quy định tại Điều 192 BLHS năm 2015. Vì vậy, người sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã thực hiện việc sản xuất, buôn bán với bất kỳ lượng nào đều có thể bị truy cứu TNHS. Tuy nhiên, nếu số lượng hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm không lớn …được đánh giá là tính chất mức độ nguy hiểm không đáng kể thì không bị coi là tội phạm (khoản 4 Điều 8 BLHS).

Do tính chất và mức độ nguy hiểm cao nên Điều 193 BLHS năm 2015 quy định hình phạt nghiêm khắc hơn  và có một số nội dung mới: bổ sung một số tình tiết định khung hình phạt như tình tiết hàng giả có số lượng tương đương với hàng thật có giá trị từ 150.000.000đồng…hoặc thu lời bất chính, phạm tội qua biên giới…lượng hóa các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng /rất nghiêm trọng /đặc biệt nghiêm trọng (điểm k, l khoản ; điểm a,b,c,đ,e khoản 3; điểm a,b,c,d khoản 4); nâng mức phạt tiền trong khung hình phạt tại khoản 5, giảm mức phạt tù trong các khung hinhg phạt tại khoản 1,2,3,4; bỏ hình phạt tử hình trong khung hình phạt tại khoản 4; bổ sung quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội(khoản 5).

Điều 193 BLHS năm 2015 quy định 4 khung hình phạt áp dụng đối với cá nhân như sau:

  • Khung 1. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm khi không có các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
  • Khung 2. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi không có các tình tiết tăng nặng tại điểm a,b,c,d,đ,e,g,h,i,k khoản 2 của Điều 193 BLHS năm 2015.
  • Khung 3. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm khi không có các tình tiết tăng nặng tại điểm a,b,c,d,đ,e khoản 3 của Điều 193 BLHS năm 2015.
  • Khung 4. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu có 1 trong các tình tiết tăng nặng tại điểm a,b,c,d khoản 4 của Điều 193 BLHS năm 2015.

Đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000đồng  đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 193 BLHS năm 2015 quy định hình phạt áp dụng đối với Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại khoản 6 Điều này.

 

Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Buôn bán qua biên giới;

g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Làm chết người;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết 02 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Tiêu Dao