Tìm hiểu nội dung của BLHS năm 2015 về “Tội tham ô tài sản”

1120
Đánh giá bài viết

Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015. Nó một mặt xâm hại uy tính đúng đắn, liêm chính của công tác, nhiệm vụ quản lý tài sản; mặt khác xâm phạm quan hệ sở hữu tài sản của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà nước.

Ảnh minh họa.

Đối tượng tác động của tội tham ô tài sản một mặt là hoạt động quản lý tài sản của chính chủ thể, mặt khác là tài sản mà người phạm tội được giao quản lý và bị họ chiếm đoạt.

Tội tham ô tài sản đòi hỏi chủ thể của tội phạm phải là chủ thể đặc biệt. Cụ thể chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên không phải người có chức vụ, quyền hạn nào cũng có thể là chủ thể của tội tham ô tài sản. Đặc điểm tạo nên sự khác biệt của chủ thể tội phạm này so với các tội phạm tham nhũng khác là chủ thể phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Trách nhiệm này phát sinh cả trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước cũng như trong các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước, vì theo quy định được bổ sung tại khoản 6 Điều 353, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản.

Trách nhiệm quản lý tài sản có thể là trách nhiệm phát sinh từ chức vụ hoặc từ nhiệm vụ cụ thể được giao; có thể phát sinh từ thẩm quyền quản lý chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính, kinh tế, tài sản. Trong một số trường hợp đặc biệt, những người tuy không có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng được giao nhiệm vụ với sự độc lập trong tiếp cận tài sản và chịu trách nhiệm về tài sản trong một khoảng thời gian nhất định cũng có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản.

Tội tham ô tài sản được đặc trưng bởi hành vi chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Hành vi chiếm đoạt tài sản được giao quản lí là hành vi dịch chuyển trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, của tập thể hoặc của các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước thành tài sản của mình. Người phạm tội đã dùng thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lí tài sản được giao chiếm đoạt tài sản mình đang quản lí. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lí tài sản này có bản chất là việc sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như điều kiện, phương tiện để có thể dịch chuyển tài sản được giao quản lí thành tài sản của mình.

Hành vi của tội tham ô tài sản gồm hành vi chiếm đoạt tài sản là thực hiện một cách len lút hoặc gian dối, hoặc có thể có tính bội tín và hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý cấu thành tội tham ô khi giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 2.000.000 đồng thuộc một trong hai trường hợp tại điểm a, b khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015.

Lỗi của người phạm tội tham ô tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ phạm tội là vì vụ lợi.

Điều 353 BLHS năm 2015 quy định 4 khung hình phạt:

  • Khung hình phạt cơ bản với mức tối đa của giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ mức dưới 50 triệu đồng của BLHS năm 1999 tăng lên mức 100 triệu đồng của BLHS năm 2015. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm được áp dụng cho các trường hợp phạm tội đã được nêu trong cấu thành tội phạm cơ bản ở trên.
  • Khung hình phạt tăng nặng với mức định lượng giá trị của tài sản bị chiếm đoạt từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, đã tăng đáng kể so với BLHS năm 1999 quy định từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Ngoài ra, BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” bằng cá tình tiết tại điểm đ,e,g tại khoản 2 Điều 353. Riêng điểm g khoản 2 Điều 353 có thể hiểu là việc gây ra những tác động tiêu cực tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức như: bị chậm trả lương đã nhiều tháng, bị cắt những khoản phúc lợi cần thiết, không có tiền nghỉ tết và nghỉ hè…
  • Khung hình phạt tăng nặng với mức định lượng gía trị của trài sản bị chiếm đoạt tăng đắng kể từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng so với BLHS năm 1999 quy định từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Khung hình phạt này có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” của BLHS năm 1999 bằng các tình tiết tại điểm b, c, d Khoản 3 Điều 353.
  • BLHS năm 2015 đã thay thế tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” bằng tình tiết “gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên”, khung hình phạt tăng nặng với mức hình phạt nghiêm khắc nhất là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội tham ô tài sản còn bị phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a. Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b. Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Tiêu Dao