Tìm hiểu nội dung Điều 108 BLHS năm 2015 về “Tội phản bội Tổ quốc”

17643
5/5

Với tính chất là tội nặng nhất của công dân theo quy định của Hiến pháp, phản bội Tổ quốc là tội phạm xâm hại đến các quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng, đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh.

 

Ảnh minh họa.

 

So với BLHS năm 1999, tội phản bội Tổ quốc quy định trong BLHS năm 2015 được sửa đổi theo hướng mở rộng khách thể của tội phạm. Ngoài độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như quy định của Điều 78 BLHS năm 1999, Điều 108 BLHS năm 2015 thay thế khách thể “lực lượng quốc phòng” bằng “tiềm lực quốc phòng, an ninh”. Việc mở rộng này để phù hợp với yêu cầu phòng, chống tội phản bội Tổ quốc trong tình hình mới; bởi lẽ:

Thứ nhất, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, bên cạnh Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cũng có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hành vi xâm hại đến tiềm lực an ninh cũng ảnh hưởng đến sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, xâm hại đến Tổ quốc.

Thứ hai, trong điều kiện hiện nay với việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào hoạt động quốc phòng, an ninh, sức mạnh quốc phòng, an ninh không chỉ là sức mạnh của các yếu tố vật chất là con người, vũ khí, phương tiện và các cơ sở vật chất khác mà còn là các yếu tố phi vật chất như khoa học, kỹ thuật, công nghệ…phục vụ cho hoạt động quốc phòng, an ninh. Do đó, việc thay “lực lượng quốc phòng” bằng “tiềm lực quốc phòng, an ninh” để quy định đầy đủ hơn, nâng cao hiệu quả bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Như vậy, khách thể của tội phản bội Tổ quốc gồm 03 nhóm quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng, đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phản bội Tổ quốc:

Người phạm tội có hành vi câu kết với nước ngoài. Thuật ngữ “nước ngoài” được hiểu là tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội hay cá nhân nước ngoài; câu kết với nước ngoài được hiểu là sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với nước ngoài nhằm chống lại Tổ quốc. Người phạm tội câu kết với nước ngoài, dưới những hình thức cụ thể sau đây:

– Bàn bạc với nước ngoài về mưu đồ chính trị, chủ trương, phương thức, kế hoạch hoạt động trước mắt cũng như lâu dài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

– Nhận sự giúp đỡ của nước ngoài về vật chất, phi vật chất như tiền bạc, vũ khí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, lương thực thực phẩm, khoa học, công nghệ…để chống lại Tổ quốc.

– Hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài hoặc tiếp tay, tạo điều kiện cho nước ngoài chống lại Tổ quốc.

Dù được thực hiện dưới hình thức nào, về thực chất, người thực hiện hành vi phản bội Tổ quốc chỉ là tay sai cho nước ngoài, được nước ngoài sử dụng như công cụ chống lại Tổ quốc mình.

Tội phản bội Tổ quốc có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, không phải là dấu hiệu định tội mà là dấu hiệu định khung hình phạt.

Chủ thể của tội phản bội Tổ quốc chỉ có thể là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội. Đó là người có quốc tịch Việt Nam, có thể là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam hoặc có thể là người có nhiều quốc tịch trong đó có quốc tịch Việt Nam. Họ có thể sinh sống tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Người không phải là công dân Việt Nam (người nước ngoài, người không có quốc tịch) không phải là chủ thể của tội phản bội Tổ quốc. Việc xác định người nước ngoài, người không có quốc tịch có thể coi là đồng phạm với vai trò tổ chức, xúi giục, giúp sức trong tội phản bội Tổ quốc hiện còn có ý kiến khác nhau.

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.

Mục đích phạm tội: người phạm tội thực hiện hành vi nêu trên nhằm chống chính quyền nhân dân, thay đổi chế độ chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước. Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Điều 108 quy định 3 khung hình phạt chính:

– Khung 1. Quy định hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1.

– Khung 2. Quy định hình phạt tù từ 07 đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc khoản 2 là tình tiết giảm nhẹ TNHS.

– Khung 3. Quy định hình phạt tù từ 01 đến 05 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này.

Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc

1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

 

Quang Thắng