Tìm hiểu nội dung Điều 108 BLTTHS năm 2015 về “Kiểm tra, đánh giá chứng cứ”

4422
Đánh giá bài viết

Kiểm tra, đánh giá chứng cứ là hoạt động nhằm rút ra kết luận về vụ án  trên cơ sở các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Ảnh minh họa.
Điều 108. Kiểm tra, đánh giá chứng cứ

1. Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.

2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.

 

– Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự nghĩa là có thể làm rõ các vấn đề phải chứng minh của vụ án theo quy định tại Điều 85 BLHS (xem bình luận Điều 85). Vấn đề xác định chứng cứ thu thập được đã “đủ để giải quyết vụ án hình sự” hay chưa thực chất là xác định giới hạn chứng minh của vụ án. Theo đó, chứng cứ thu thập phải đủ để chứng minh được những vấn đề thuộc về bản chất vụ án (các yếu tố cấu thành tội phạm), những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới trách nhiệm hình sự và hình phạt (những tình tiết miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân người phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội) và những vấn đề khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án.

– Khi đánh giá chứng cứ cần đánh giá riêng biệt từng chứng cứ và đánh giá tổng hợp chứng cứ.

Đánh giá từng chứng cứ là hoạt động nhận thức của chủ thể đánh giá chứng cứ đối với mỗi chứng cứ để kết luận về giá trị chứng minh của nó. Khi đánh giá từng chứng cứ các chủ thể đánh giá phải xác định chứng cứ đó có xác thực hay không, có liên quan đến đối tượng chứng minh không, chứng cứ đó được xác định bằng nguồn nào và có được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định hay không.

Đánh giá tổng hợp chứng cứ là hoạt động nhận thức của các chủ thể đánh giá chứng cứ đối với các chứng cứ trong mối liên quan chặt chẽ với nhau nhằm xác định giá trị chứng minh của chúng và rút ra kết luận của vụ án. Khi đánh giá tổng hợp chứng cứ, chủ thể đánh giá chứng cứ phải dựa vào những chứng cứ đã được kiểm tra, đánh giá riêng lẻ, các nguyên tắc đánh giá chứng cứ, kiến thức, kinh nghiệm và đánh giá chứng cứ.

Đánh giá từng chứng cứ và đánh giá tổng hợp chứng cứ có mối quan hệ mật thiết với nhau và không tách rời việc kiểm tra chứng cứ. Việc đánh giá chứng cứ xuất phát từ kiểm tra chứng cứ và qua đánh giá chứng cứ để khẳng định kết quả kiểm tra chứng cứ đã chính xác hay chưa.

– Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án. Để kiểm tra, đánh giá đầy đủ chứng cứ, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra, đánh giá tất cả các chứng cứ trong vụ án, không bỏ sót bất kì chứng cứ nào. Ví dụ: Không vì lời khai của những người tham gia tố tụng đã đầy đủ mà không đánh giá các tình tiết trong biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra. Việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ một cách khách quan đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành tiến tụng phải kiểm tra, đánh giá chứng cứ theo giá trị chứng minh của chứng cứ, không bị chi phối bởi định kiến buộc tội hoặc gỡ tội khi đánh giá. Việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ toàn diện đòi hỏi người đánh giá chứng cứ liên quan tới việc giải quyết phần hình sự và chứng cứ liên quan đến việc giải quyết phần dân sự, xử lý vật chứng của vụ án. Các yêu cầu đầy đủ, khách quan, toàn diện có mối quan hệ mật thiết với nhau và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tuân thủ tất cả các yêu cầu này để tránh đánh giá chứng cứ phiến diện, một chiều, thiếu khách quan.

Thanh Đạt