Tìm hiểu nội dung Điều 11 BLTTHS năm 2015 về “Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân, danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân.”

5032
Đánh giá bài viết

Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân cũng là nguyên tắc hiến định, được ghi nhận tại các điều luật trong Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của Hiến pháp năm 2013.

 

Ảnh minh họa.

 

Theo đó, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật (Điều 19); Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ (Điều 32)…Những quy định này được điều luật cụ thể hóa thành một nguyên tắc tố tụng hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân.

Nội dung của nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân thể hiện:

  • Mọi người (bao gồm công dân, người nước ngoài ở Việt Nam, người không quốc tịch) đều có quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản. Trong quá trình tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia tố tụng như đánh đập, xúc phạm, hành hạ…Người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia tố tụng tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
  • Khi người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác hoặc người thân thích của họ bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ họ. Ví dụ: khi người làm chứng báo với Cơ quan điều tra có thẩm quyền là họ có nguy cơ bị người trong gia đình của bị cáo trả thù vì đã có lời khai bất lợi cho bị cáo, Cơ quan điều tra có trách nhiệm áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ người làm chứng và người thân của họ (nếu thấy thực sự cần thiết).
  • Điều luật bổ sung nguyên tắc bảo hộ công dân được bổ sung trong Hiến pháp năm 2013, theo đó công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác. Quy định này là cần thiết, tuy nhiên, cũng có ý kiến đưa nội dung này vào nguyên tắc “bảo hộ đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân” là chưa thật sự phù hợp do không đảm bảo sự lô-gic giữa tên gọi của nguyên tắc và nội dung này của nguyên tắc.

“Điều 11. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân

Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.

Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật.

Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.”

 

Quang Thắng