Tìm hiểu nội dung Điều 115 BLTTHS năm 2015 về “Biên bản về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản bắt người”

2268
Đánh giá bài viết

Lập biên bản khi giữ người hay thi hành lệnh, quyết định bắt người là hoạt động tố tụng cần thiết để đảm bảo việc bắt, giữ người được thi hành đúng pháp luật, đảm bảo quyền của người bị bắt mà Hiến pháp và pháp luật đã ghi nhận.

Ảnh minh họa.

Biên bản phải được lập một cách chi tiết trong đó phải ghi rõ thời gian, địa điểm giữ, bắt người; nơi lập biên bản. Trên thực tế, việc thi hành lệnh, quyết định bắt thì nơi bắt và nơi lập biên bản thường là một vì trước khi thi hành lệnh bắt Cơ quan công an đã phải xác minh nơi người bị bắt đang ở. Còn các trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp hay bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã thì tùy trường hợp có thể là một nhưng có thể là hai địa điểm khác nhau. Ví dụ: bắt người phạm tội quả tang ở trên đường và giải đến Công an phường thì nơi bắt và nơi lập biên bản là khác nhau.

Biên bản ghi rõ những việc đã làm mà luật quy định trong các điều về bắt người như việc đọc lệnh, quyết định, giải thích quyền và nghĩa vụ cho người bị bắt khi thi hành lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam…; tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh như người bị bắt có chấp hành hay kháng cự; tài liệu đồ vật bị tạm giữ là những tài liệu, đồ vật khi khám người bị bắt hoặc người bị bắt giao nộp; tình trạng sức khỏe người bị bắt tốt hay đang ốm; có ý kiến khiếu nại hay không.

Biên bản phải được đọc cho người bị tạm giữ, người bị bắt, người chứng kiến nghe và cùng ký vào biên bản. Nếu có ý kiến khác hoặc không đồng ý thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu của người bị giữ, người bị bắt phải lập thành biên bản và bảo quản theo đúng quy định của pháp luật.

Khi giao nhận người bị giữ, người bị bắt phải lập biên bản trong đó ghi rõ việc bàn giao biên bản lấy lời khai, tài liệu, đồ vật đã thu thập được, tình trạng sức khỏe, diễn biến khi giao nhận.

Điều 115. Biên bản về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản bắt người

1. Người thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, thi hành lệnh hoặc quyết định bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.

Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm giữ, bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tài liệu, đồ vật bị tạm giữ, tình trạng sức khỏe và ý kiến, khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt và các nội dung quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Biên bản được đọc cho người bị giữ, người bị bắt và người chứng kiến nghe. Người bị giữ, người bị bắt, người thi hành lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt và người chứng kiến cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật của người bị giữ, người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

2. Khi giao, nhận người bị giữ, người bị bắt phải lập biên bản.

Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao biên bản lấy lời khai, tài liệu, đồ vật đã thu thập được, tình trạng sức khỏe của người bị giữ, người bị bắt và những tình tiết xảy ra khi giao nhận.

Thanh Đạt