Tìm hiểu nội dung Điều 119 BLTTHS năm 2015 về “Tạm giam”

37248
Đánh giá bài viết

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra. Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự, hạn chế đáng kể quyền tự do thân thể của công dân cho nên áp dụng phải thận trọng và hạn chế áp dụng.

Ảnh minh họa.

Theo quy định của điều luật, đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam bao gồm:

+ Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng;

+ Bị can phạm tội ít nghiêm trọng nếu tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

+ Bị can phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng quy định hình phạt tù từ 02 năm trở lên, nếu thuộc trường hợp sau:

+ Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh…nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ mà người phạm tội phải thực hiện.

+ Không có nơi cư trú rõ ràng, đây là các đối tượng lang thang, không có nơi ở cố định, thường lấy việc phạm tội làm phương tiện sống. Hoặc không xác minh được lý lịch bị can là trường hợp bị can khai báo không chính xác về nhân thân hoặc bị can đã bỏ đi khỏi nơi cư trú nhiều năm, phạm tội ở nhiều nơi….

+ Có dấu hiệu bỏ trốn;

+ Có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

+ Có hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử như hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai dự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Một số trường hợp ngoại lệ không áp dụng biện pháp tạm giam: Điều luật quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

+ Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

+ Tiếp tục phạm tội;

+ Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

+ Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Quy định này vừa thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật , vừa thể hiện sự phân sự phân hóa hợp lý các đối tượng trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thẩm quyền ra lệnh tạm giam: Là những người có thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra phải được phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

Thủ tục tạm giam: Việc tạm giam phải có lệnh của người có thẩm quyền. Sau khi ra lệnh tạm giam, cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước người bị tạm giam nhằm xác định đúng đối tượng cần tạm giam, tránh trường hợp nhầm lẫn.

Điều 119. Tạm giam

1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b) Tiếp tục phạm tội;

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

5. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh, quyết định tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.

6. Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết.

Thanh Đạt