Tìm hiểu nội dung Điều 133 BLHS năm 2015 về “Tội đe dọa giết người”

5269
Đánh giá bài viết

Đe dọa giết người là hành vi của một người bằng lời nói, hành động hoặc bằng các thủ đoạn khác làm cho người khác lo sợ rằng họ sẽ bị giết.

 

Ảnh minh họa.

 

Tội phạm gián tiếp xâm phạm quyền sống của con người, đồng thời xâm phạm quyền tự do của con người.

Hành vi đe dọa giết người thể hiện bằng lời nói, hành động như tuyên bố bằng lời, viết thư, vẽ hình hoặc đe dọa bằng súng, dao, gậy…Hành vi đe dọa giết người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đối với người bị đe dọa.

Hành vi dù là trực tiếp hay gián tiếp đe dọa nhưng phải làm cho người bị đe dọa tin rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết họ nên lo lắng, sợ sệt. Căn cứ để xác định mức độ đe dọa nguy hiểm đối với nạn nhân là:

– Cách thức đe dọa

– Nhân thân của người đe dọa và người bị đe dọa.

– Thời gian, hoàn cảnh, địa điểm cụ thể, nguyên nhân xảy ra khi có hành vi đe dọa giết người.

– Sự tương quan về sức lực, lực lượng giữa người đe dọa và người bị đe dọa.

– Sự thay đổi tâm sinh lý và hoạt động của người bị đe dọa như: lo sợ, kém ăn, kém ngủ, không dám đi làm, đi đêm…

Nếu hành vi chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện như mài dao, lau súng,.v..v..để trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bị đe dọa biết nhưng không có ý định tước bỏ quyền sống của người bị đe dọa thì người có hành vi đó phạm tội đe dọa giết người. Nếu người phạm tội có hành vi đe dọa giết người nhưng hành vi đó chỉ nhằm thực hiện mục đích khác thì không phạm tội đe dọa giết người. Ví dụ đe dọa giết người để chiếm đoạt tài sản thì coi là phạm tội cướp tài sản.

Bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS là Chủ thể của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện do lối cố ý.

Điều Điều 133 BLHS năm 2015  quy định 2 khung hình phạt.

– Khung 1. Quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng đối với trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng. BLHS năm 2015 đã tăng nặng hình phạt, cụ thể hình phạt cải tạo không giam giữ tăng từ 02 năm lên 03 năm; hình phạt tù mức tối thiểu tăng từ 03 tháng lên 06 tháng.

– Khung 2. Quy định hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với một trong các trường hợp sau:

+ Đối với từ 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: chức vụ, quyền hạn là người lãnh đạo, quản lý trong bộ máy chính trị, hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội. Quyền hạn có thể do pháp luật quy định hoặc do các cơ quan, tổ chức giao cho họ quyền hạn để thực thi nhiệm vụ. Tình tiết này mới bổ sung trong BLHS năm 2015.

+ Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân: đe dọa giết người thi hành công vụ là trường hợp nạn nhân đang thi hành nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao cho vì lợi ích chung của Nhà nước, xã hội như thầy giáo đang giảng bài, cán bộ coi thi, cán bộ thuế đang thu thuế, cán bộ kiểm lâm đang bảo vệ rừng…Đe dọa giết người vì lý do công vụ của nạn nhân thể hiện nhiệm vụ mà nạn nhân được giao có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội nên thủ phạm đã chủ động đe dọa giết nạn nhân. Hành vi đe dọa có thể xảy ra trước hoặc sau khi người bị hại thực thi công vụ. Người phạm tội với động cơ nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ hoặc trả thù người thi hành công vụ.

+ Đối với người dưới 16 tuổi.

+ Để che giấu hoặc trốn tránh việc xử lý về một tội phạm khác: tội phạm khác là tội phạm đã xảy ra trước đó về mặt thời gian. Người phạm tội đã có hành vi như đe dọa giết nhân chứng nếu họ tố cáo, cung cấp tài liệu về hành vi phạm tội của hắn trước đó mà họ đã biết với cơ quan công an.

 

Điều 133. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

 

 

Quang Thắng