Tìm hiểu nội dung Điều 177 BLHS năm 2015 về “Tội sử dụng trái phép tài sản”

9487
Đánh giá bài viết

Điều 177 BLHS năm 2015 có một số điểm mới về cấu thành tội phạm; bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”; bỏ tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; về hình phạt thì quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng” so với quy định tại Điều 142 BLHS năm 2009.

Ảnh minh họa.

* Khách thể của tội Sử dụng trái phép tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm những loại tài sản không mất đi (không tiêu hao) trong quá trình sử dụng.

* Chủ thể của tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại tất cả các khoản 1, 2 và 3 Điều 177 BLHS là người đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

 * Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện bởi hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác. Sử dụng trái phép tài sản của người khác là hành vi khai thức công dụng hưởng hoa lợi, lợi tức tài sản của người khác một cách trái phép. Trong đó: hoa lợi là sản vật tự nhiêm mà tài sản mang lại; lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 177 BLHS, thì hành vi sử dụng trái phép tài sản bị coi là phạm tội khi tài sản sử dụng trái phép có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 129 và Điều 220 của Bộ luật này. Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 177 BLHS thì có các trường hợp phạm tội sử dụng trái phép tài sản sau đây:

+ Trường hợp thứ nhất, phạm tội sử dụng trái phép tài sản do tài sản bị sử dụng trái phép có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm (xem bình luận về tình tiết này tại Điều 172 BLHS).

+ Trường hợp thứ hai, phạm tội sử dụng trái phép tài sản do tài sản bị sử dụng trái phép có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (xem bình luận về tình tiết này tại Điều 172 BLHS).

+ Trường hợp thứ ba, phạm tội sử dụng trái phép tài sản do tài sản bị sử dụng là di vật, cổ vật (xem bình luận về tình tiết này tại Điều 176 BLHS).

Các trường hợp nêu trên chỉ bị coi là phạm tội sử dụng trái phép tài sản khi hành vi đó không thuộc trường hợp vi phạm quy định về: quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 219 và Điều 220 BLHS.

* Mặt chủ quan của tội phạm

– Tội sử dụng trái phép tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ mình không có quyền sử dụng tài sản đó nhưng vẫn cố tình sử dụng tài sản đó một cách trái phép.

– Mục đích vụ lợi (về lợi ích vật chất cho cá nhân hoặc một nhóm người nào đó) là yếu tố bắt buộc của mặt chủ quan cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản.

* Điều 177 BLHS quy định ba khung hình phạt đối với người phạm tội:

– Khung 1. Quy định hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người phạm tội không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.

– Khung 2. Quy định hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: tài sản trị giá 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Tài sản là bảo vật quốc gia (là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học); Phạm tội 02 lần trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Tái phạm nguy hiểm (xem phần bình luận về các tình tiết tương ứng tại các Điều 169 đến Điều 175 BLHS).

– Khung 3. Quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm áp dụng đối với người phạm tội tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên.

– Hình phạt bổ sung: Quy định tại khoản 4 Điều 177 BLHS là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

So với quy định tại Điều 142 BLHS năm 2009, thì quy định tại Điều 177 BLHS năm 2015 có một số điểm mới sau đây:

+ Thứ nhất, về cấu thành tội phạm thì Điều 177: Bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” là yếu tố cấu thành tội phạm; Bổ sung “di vật, cổ vật” là đối tượng đặc biệt và dấu hiệu định tội; Loại trừ hành vi của người được giao quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát,lãng phí tài sản hoặc vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 219 và Điều 220 BLHS khỏi cấu thành tội phạm này. Đồng thời, quy định hai tội phạm mới là “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 219 và Điều 220 BLHS.

+ Thứ hai, bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” và quy định các tình tiết “Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng”, “Tài sản là bảo vật quốc gia” làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 2.

+ Thứ ba, bỏ tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và quy định tình tiết “Tài sản trị giá từ 1.500.000.000 đồng trở lên” là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 3.

+ Thứ tư, về hình phạt thì quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng” thay cho mức “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng” tại khoản 1; quy định “phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm” thay cho “phạt tù từ 02 năm đến 05 năm” tại khoản 2.

Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản

1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là di vật, cổ vậthoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóanếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Tài sản là bảo vật quốc gia;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Quang Thắng