Tìm hiểu nội dung Điều 19 BLTTHS năm 2015 về “Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra”

2846
Đánh giá bài viết

Hoạt động điều tra trong vụ án hình sự là một hoạt động của cơ quan điều tra do Cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự tiến hành nhằm thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh về tội phạm.

 

Ảnh minh họa.

 

Các hoạt động điều tra chính thức được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố trên cơ sở quyết định khởi tố của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện chính xác, nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người có hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động điều tra, Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ: áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội; yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra là nguyên tắc mới được bổ sung trong BLTTHS năm 2015, theo đó Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS năm 2015.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến về nguyên tắc mới được bổ sung này của BLTTHS năm 2015, theo đó, nội dung nguyên tắc này cũng là sự cụ thể hóa nguyên tắc pháp chế XHCN trong tố tụng hình sự “mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này” nên không cần thiết phải quy định một nguyên tắc khác. Nội dung thứ hai của nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra về bản chất là nội dung nguyên tắc xác định sự thật của vụ án và không lô – gic với tên gọi của nguyên tắc quy định tại điều luật.

 

Điều 19. Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra

Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này.

Mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

 

 

Thanh Đạt