Tìm hiểu nội dung Điều 190 BLTTHS năm 2015 về “Nhận dạng”

6520
Đánh giá bài viết

Nhận dạng là biện pháp điều tra do Điều tra viên tiến hành bằng việc cho một người quan sát, nhận lại đối tượng hiện tại với đối tượng mà họ đã biết trước đây trong mối quan hệ với sự kiện đang điều tra nhằm xác định xem có đồng nhất hay không.

Ảnh minh họa.

Thực chất nhận dạng là quá trình người nhận dạng hồi tưởng, tái hiện, nhớ lại, nhận lại đối tượng mà họ đã tri giác và ghi nhớ trước đây khi đối tượng đó xuất hiện. Khi nhận dạng, hoạt động tư duy của người nhận dạng thực hiện hai quá trình: tái hiện và nhận biết (nhận lại). Quá trình thứ nhất bao gồm sự hình dung, tưởng tượng, nhớ lại về đối tượng mà họ đã biết. Quá trình thứ hai là nhận ra được đối tượng này.

Mục đích nhận dạng là xác định sự đồng nhất, tương đồng hay sự khác nhau giữa đối tượng được đưa ra nhận dạng với đối tượng mà họ biết trước đây. Nó góp phần vào việc xác định tính chất vụ án, tìm ra thủ phạm, bị hại, vật chứng của vụ án hoặc tung tích nạn nhân.

Nhận dạng được thực hiện bằng cách đưa người, đồ vật hoặc ảnh cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhìn, quan sát kỹ để họ xác định có hay không có người, vật, ảnh mà họ đã nhìn thấy trước đó và khẳng định về người, vật, ảnh này. Đây là những người trực tiếp nhìn thấy đối tượng nhận dạng. Khi tổ chức nhận dạng Điều tra viên phải đưa những người này tham gia nhận dạng. Đặc biệt phải có người chứng kiến để bảo đảm tính khách quan của quá trình nhận dạng. Số người chứng kiến ít nhất là hai người. Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.

Để đảm bảo sự chính xác của kết quả nhận dạng Điều tra viên phải đưa số người, ảnh hoặc vật ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự như nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi.

Nếu là nhận dạng người thì ngoài đối tượng chính (đối tượng xác định có liên quan đến vụ án) còn phải đưa những đối tượng tương tự để nhận dạng. Đối tượng tương tự phải là đối tượng được xác định hoàn toàn không có liên quan đến vụ án. Những người được đưa đến nhận dạng phải có bề ngoài gần giống nhau về hình dáng, tầm thước, khuôn mặt, mái tóc, mắt, mũi và kiểu dáng quần áo.

Nếu là đồ vật được đưa ra để nhận dạng thì phải cùng loại, cùng tên gọi, nhãn hiệu, gần giống nhau về hình dáng, kích thước, màu sắc.

Theo quy định tại điều luật, người nhận dạng có thể là người làm chứng, bị hại hoặc bị can. Nếu người nhận dạng là người làm chứng hoặc bị hại thì trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối.

Quá trình nhận dạng phải tuân thủ trình tự, thủ tục do luật quy định. Trước khi cho một người nhận dạng, Điều tra viên phải hỏi người này về điều kiện hoàn cảnh có liên quan đến quá trình tri giác như thời gian quan sát, khoảng cách quan sát, điều kiện ánh sáng, thời tiết, màu sắc của đối tượng có ảnh hưởng gì cho việc nhận biết đối tượng không; những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được. Cần hỏi kỹ đặc điểm, vết tích có tính riêng biệt và tương đối ổn định của đối tượng nhận dạng. Những đặc điểm, vết tích này có giá trị cao khi đánh giá kết quả nhận dạng.

Để đảm bảo tính khách quan, trong quá tình tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý cho người nhận dạng. Đối tượng được nhận dạng có thể được đưa ra lần lượt hoặc đưa đồng loạt cùng lúc. Khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó. Điều tra viên đối chiếu các vết tích, đặc điểm của người, vật, ảnh đã nhận dạng được xem có phù hợp với những vết tích, đặc điểm mà người nhận dạng đã khai báo trước khi nhận dạng để đánh giá tính chính xác của kết quả nhận dạng.

Biên bản nhận dạng được lập theo quy định tại Điều 178 BLTTHS. Trong biên bản ngoài việc ghi theo quy định chung còn phải ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng. Biên bản cần ghi rõ điều kiện ánh sáng để thực hiện nhận dạng.

Điều 190. Nhận dạng

1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng.

Số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi.

Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.

2. Những người sau đây phải tham gia việc nhận dạng:

a) Người làm chứng, bị hại hoặc bị can;

b) Người chứng kiến.

3. Nếu người làm chứng hoặc bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

4. Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.

Trong quá trình tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó.

5. Biên bản nhận dạng được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng; điều kiện ánh sáng khi thực hiện nhận dạng.

Thanh Đạt