Tìm hiểu nội dung Điều 194 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”

5045
Đánh giá bài viết

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh xâm phạm đến quan hệ về quản lí thị trường trong lĩnh vực quản lí an toàn dược phẩm và xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

 

Ảnh minh họa.

 

Đối tượng tác động của tội phạm tại Điều 194 BLHS năm 2015 cũng không phải là hàng giả nói chung như Điều 192 mà là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cùng với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được tách ra từ tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 BLHS năm 1999) nhưng có sự sửa đổi, bổ sung về dấu hiệu định tội, định khung cũng như hình phạt mặc dù hành vi có cùng tính chất và nhiều điểm giống nhau cơ bản khác nhưng đối tượng hàng hóa giả thuộc hai nhóm phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội không giống nhau.

Hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cũng giống như hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả đã trình bày tại Điều 192 BLHS năm 2015 nhưng khác về đối tượng hàng hóa giả. Đối tượng hàng hóa là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, nên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong Điều luật này có mức độ nguy hiểm cao hơn so với tội phạm quy định tại Điều 192 BLHS năm 2015. Vì vậy, hành vi sản xuất, buôn bán loại hàng hóa này cũng được tách thành một tội danh độc lập.

Về tính chất, nội dung, hình thức hàng giả và các dấu hiệu pháp lý khác có thể tham khảo bình luận Điều 192 BLHS.

Tội phạm coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.

So sánh với quy định tại Điều 157 BLHS năm 1999 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì quy định tại Điều 194 BLHS năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnhc, thuốc phòng bệnh cũng như quy định tại Điều 193 BLHS năm 1999 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm có những điểm mới về dấu hiệu định tội, định khung hình phạt. Tuy nhiên, các loại và mức hình phạt quy định trong Điều 194 hầu như giữ nguyên quy định tại Điều 157 BLHS năm 1999, do đó thể hiện tính nghiêm khắc hơn so với trường hợp phạm tội tại Điều 192 và 193 BLHS năm 2015.

Điều 194 BLHS năm 2015 phạm tội có các tình tiết tăng nặng thuộc Khoản 4 thì mức hình phạt cao nhất có thể tử hình.

Pháp nhân thương mại phạm tội được xữ lý theo khoản 6 Điều 194 BLHS năm 2015.

 

Điều 194 .Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Buôn bán qua biên giới;

g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

 

Quang Thắng