Tìm hiểu nội dung Điều 201 BLHS năm 2015 về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”

5684
Đánh giá bài viết

So với BLHS 1999, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có một số sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường tính minh bạch, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.

 

Ảnh minh họa.

 

+ Điều 201 BLHS năm 2015 bổ sung cụm từ “trong giao dịch dân sự” vào tên tội danh; cụ thể hóa các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt, thứ ba, lượng hóa mức phạt tiền nhằm thuận tiện cho việc áp dụng. Theo quy định tại Điều này, người phạm tội này chỉ trong phạm vi giao dịch dân sự, nghĩa là giữa người phạm tội và nạn nhân có việc vay mượn thông qua hợp đồng. Điều này để phân biệt với các trường hợp giữa các bên không có quan hệ vay mượn nhưng người phạm tội đã dùng thủ đoạn để ép buộc nạn nhân ký giấy vay tiền hoặc ký xác nhận trả lãi khoản vay trước đó, thì đây là hành vi chiếm đoạt chứ không nguyên nghĩa là hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nữa.

+ Hành vi phạm tội này là hành vi của người trong giao dịch dân sự đã cho người khác vay tiền với các dấu hiệu sau:

– Dấu hiệu thứ nhất, mức lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự. Theo điều 468 Bộ luật Dân sự, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Như vậy, chỉ được coi là phạm tội này khi mức lãi suất mà người phạm tội cho bên đi vay vay là 100%/ năm, ngay cả khi các bên có sự thỏa thuận. So với quy định này trong BLHS số 100/2015/QH13, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 bổ sung dấu hiệu “gấp 05 lần trở lên” mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự để đảm bảo tính logic.

– Dấu hiệu thứ hai, người phạm tội đã thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Chỉ được coi là phạm tội này khi người phạm tội thực hiện đầy đủ cả hai dấu hiệu trên.

+ So với BLHS 1999, BLHS 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết định tính như “có tính chất chuyên bóc lột” bằng dấu hiệu thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; “thu lợi bất chính lớn” được cụ thể hóa bằng việc người phạm tội này thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên.

+ Mức phạt tiền được quy định cụ thể để Tòa án lựa chọn với hình phạt cải tạo không giam giữ (khoản 1) và hình phạt tù có thời hạn (khoản 2). Theo đó, nếu phạm vào khoản 1 thì phạm tội bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trường hợp phạm vào khoản 2 thì người phạm tội bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như:

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hình phạt chính không phải là hình phạt tiền;

– Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đây là các hình phạt bổ sung áp dụng đối với người làm việc trong các tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay vớilãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhấtquy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Quang Thắng