Tìm hiểu nội dung Điều 206 BLHS năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “ Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”

11918
Đánh giá bài viết

Theo BLHS số 100/2015/QH13, đây là một trong 15 tội danh mới được bổ sung nhằm cụ thể hóa tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999. Nhưng theo Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 đã điều chỉnh lại tên tội danh và một số dấu hiệu cấu thành tội phạm làm cho tội này không còn nguyên nghĩa dấu hiệu đặc trưng là “người có chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong hoạt động ngân hàng.

 

Ảnh minh họa.

 

 Trong quá trình rà soát, chỉnh lý BLHS số 100/2015/QH13, Cơ quan chủ trì soạn thảo và nhiểu chuyên gia đề nghị không sửa đổi điều này, vì làm thay đổi bản chất của tội danh, gây khó khăn cho việc xử lý các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS năm 1999) mà sau này mới phát hiện ra; mặt khác nếu chủ thể không phải là người có chức vụ, quyền hạn như hành vi “kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép” là không thống nhất về chính sách, nhưng không được chấp nhận. Đồng thời Luật số 12/2017/QH17 bỏ đoạn “hoặc mua bán tài sản” tại điểm g khoản 1.

Về cơ bản, các hành vi liệt kê cấu thành tội phạm vẫn là hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, chỉ có hành vi “kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép” không cùng dấu hiệu chủ thể.

 Trên cơ sở tổng kết hoạt động truy tố, xét xử các vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 trong 10 năm trở lại đây, về cơ bản, Điều này cụ thể hóa hành vi cố ý làm trái trong lĩnh vực hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Theo Điều 4, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010:

* Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó:

 Ngân hàng là loại tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã. Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận. Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân.

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

* Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.

– Hành vi khách quan của tội này, trừ hành vi quy định tại điểm i Khoản 1, là hành vi của người có chức vụ quyền hạn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi:

– Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

– Cấp tín dụng không đảm bảo hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

– Vi phạm các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng hoặc cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản đảm bảo;

– Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ tín dụng đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;

– Cấp tín dụng vượt quá giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

– Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;

– Phát hành cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;

– Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;

– Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

Các hành vi kể trên được coi là tội phạm khi gây ra thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

Cần chú ý, các hành vi kể trên không bao hàm động cơ vụ lợi của người phạm tội. Nếu có căn cứ cho rằng, người có những hành vi kể trên còn sách nhiễu, đòi hối lộ, nhận tiền hoặc chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản để cố ý thực hiện các hành vi kể trên thì bị áp dụng nguyên tắc xét xử về nhiều tội;

Đối với hành vi kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép thì không cần dấu hiệu chủ thể là người có chức vụ quyền hạn.

– Về hình phạt, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng; phạt tù từ 03 năm đến 07 năm gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; phạt tù từ 07 năm đến 12 năm khi gây thiệt hại về tài sản từ 1000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; phạt tù từ 12 năm đến 20 năm khi gây thiệt hại về tài sản từ 3000.000.000 đồng trở lên. Các mức hình phạt này dựa trên các mức hình phạt của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

 

Điều 206. Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

c) Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;

d) Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;

e) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

g) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;

h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;

i) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;

k) Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


Quang Thắng