Tìm hiểu nội dung Điều 228 BLHS năm 2015 về “Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”

12531
2/5

Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai đã được quy định trong BLHS năm 1999. Trong BLHS năm 2015, tội phạm này vẫn tiếp tục được quy định (Điều 228). Tuy nhiên, Điều 228 quy định về tội phạm vi phạm các quy định về sử dụng đất đai đã có sự sửa đổi, bổ sung nhất định cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời làm tăng tính minh bạch cũng như nâng cao tính khả thi của việc áp dụng điều luật.

 

Ảnh minh họa.

 

Tội xâm phạm chế độ thống nhất quản lí và bảo về đất đai của Nhà nước.

Hành vi khách quan của tội này là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lí và sử dụng đất đai, thể hiện dưới các dạng:

+ Hành vi lấn chiếm đất trái với quy định về quản lí, sử dụng đất đai. Đây là hành vi lấn chiếm đất thuộc quyền quản lí, sử dụng của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc cá nhân khác như lấn chiếm đất thuộc các công trình di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.

+ Hành vi chuyển quyền sử dụng đất trái với quy định về quản lí, sử dụng đất đai như: chuyển nhượng, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất trái phép…

+ Hành vi sử dụng đất trái với quy định về quản lí, sử dụng đất đai như đã khai thác bừa bãi, không đúng mục đích làm xói mòn, biến chất đất hoặc cố ý hủy hoại đất làm ô nhiễm đất…

Cơ sở pháp lí để xác định hành vi vi phạm các quy định về quản lí và bảo vệ đất đai là các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành quy định về chế độ quản lí và sử dụng đất đai.

– Hành vi vi phạm các quy định về quản lí và sử dụng đất đai nói trên bị coi là tội phạm trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Trong BLHS năm 1999, dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định cho tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai là dấu hiệu định tội – một căn cứ để phân biệt xử lí hành chính với xử lí hình sự. Tuy nhiên, BLHS năm 1999 lại không mô tả rõ thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”, từ đó, cũng gây khó khăn nhất định cho việc xử lí tội phạm này trong thực tiễn. Về kĩ thuật lập pháp, xác định thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng” đối với tội phạm này khá phức tạp. Về nguyên tắc lập pháp, tình tiết nào nếu không làm rõ được thì không nên đưa vào luật vì nó ảnh hưởng đến quá trình áp dụng. Khắc phục hạn chế trên của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã bỏ dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” trong CTTP cơ bản. Như vậy theo quy định của Điều 228 BLHS năm 2015, căn cứ để xác định hành vi khách quan nói trên bị coi là tội phạm nếu kèm theo dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Quy định như trên của BLHS năm 2015 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc áp dụng luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tế.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý

Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định.

Điều 228 BLHS năm 2015 quy định các khung hình phạt như sau:

– Khung 1: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Khung 2: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 02 tháng đến 07 năm áp dụng cho các trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội từ 02 lần trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Nhìn chung, BLHS năm 2015 quy định đường lối xử lí cho tội phạm này có điểm khác so với BLHS năm 1999. Nhà làm luật đã tăng mức phạt tiền áp dụng cho cả trường hợp phạm tội thông thường và trường hợp phạm tội có thỏa mãn tình tiết tăng nặng định khung. Cụ thể, mức phạt tiền ở Khoản 1 Điều 228 là từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 173 BLHS năm 1999 quy định mức phạt là 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng); mức phạt tiền quy định ở Khoản 2 Điều 228 là từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng); (Khoản 2 Điều 173 BLHS năm 1999 quy định mức phạt là 30.000.000 triệu đồng đến 100.000.000 triệu đồng); bên cạnh đó, BLHS năm 2015 đã bỏ tình tiết định khung tăng nặng là “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”, sự thay đổi này đảm bảo sự thống nhất với dấu hiệu định tội quy định ở khoản 1 (BLHS năm 2015 đã bỏ dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” trong CTTP cơ bản tội này); đồng thời việc hủy bỏ tình tiết “chung chung” này ở CTTP tăng nặng cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan áp dụng luật trên thực tế. Bên cạnh đó, theo BLHS năm 2015, mức phạt tiền quy định cho tội danh này với tính chất là hình phạt bổ sung được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt so với quy định tương ứng của BLHS năm 1999. Cụ thể, BLHS năm 2015 quy định phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung có mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, còn Điều 173 BLHS năm 1999 có quy định mức phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung là từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

 

Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 

 

Quang Thắng