Tìm hiểu nội dung Điều 229 BLHS năm 2015 về “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai”

21696
Đánh giá bài viết

Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai được quy định tại Điều 174 BLHS năm 1999. Trong BLHS năm 2015, tội phạm này vẫn tiếp tục được quy định trên cơ sở kế thừa những nhân tố hợp lí của Điều 174 BLHS năm 1999. Bên cạnh đó, Điều 229 BLHS năm 2015 quy định về tội phạm này đã có sự sửa đổi, bổ sung nhất định nhằm làm rõ hơn nội dung của điều luật cũng như nâng cao tính khả thi của việc áp dụng điều luật trong thực tế.

 

Ảnh minh họa.

 

Đây là tội phạm đòi hỏi dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lí đất đai.

Tội phạm xâm phạm chế độ quản lí nhà nước về đất đai.

Người phạm tội có hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Thể hiện ở các hành vi cụ thể:

  • Giao đất đai trái pháp luật như giao đất trái thẩm quyền;
  • Thu hồi đất đai trái luật như thu hồi đất đã giao cho người dân thuê, nhưng khi chưa hết thời hạn thuê đã thu hồi mà không tuân thủ quy định của Luật đất đai;
  • Cho thuê đất trái pháp luật như cho người dân thuê đất sử dụng trái mục đích;
  • Cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật. Ví dụ: cho phép chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đai trái pháp luật;
  • Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Ví dụ:cho phép chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở trái pháp luật.

Người phạm tội có thể thực hiện một hành vi hoặc nhiều hành vi trong các hành vi kể trên.

Các hành vi nói trên chỉ bị coi là tội phạm nếu kèm theo một trong các dấu hiệu sau:

  • Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòn hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2) (a)
  • Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp; (b)
  • Đã bị xử lý kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Mặc dù điều luật không quy định rõ, nhưng trên cơ sở tinh thần của điều luật, có thể hiểu, trong trường hợp này, người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi kể trên như thu hồi đất đai trái pháp luật, cho thuê đất trái pháp luật…với định mức về diện tích đất, giá trị quyền sử dụng đất thấp hơn quy định ở trường hợp (a) hoặc (b) kể trên nhưng lại thõa mãn dấu hiệu đã bị xử lí kỉ luật về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm.
  • Trong BLHS năm 1999, dấu hiệu để xác định hành vi khách quan đã thực hiện có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội và bị coi là tội phạm được mô tả còn chung chung, “mập mờ” khi nhà làm luật dùng các cụm từ “diện tích lớn, giá trị lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng”. BLHS năm 2015 đã khắc phục được hạn chế trên của BLHS năm 1999 khi là nhà làm luật đã quy định rõ căn cứ để phân biệt xử lí hành chính với xử lí hình sự, cụ thể nhà làm luật đã quy định rõ căn cứ để phân biệt xử lí hành chính với xử lí hình sự, cụ thể nhà làm luật đã định lượng dấu hiệu định tội một cách rõ ràng theo hai hình thức: a) định lượng theo cách gắn với từng loại đất là diện tích đất tương ứng; b) định lượng giá trị sử dụng đất theo từng loại đất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan áp dụng luật được chính xác trên thực tế.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

Điều 229 BLHS năm 2015 quy định các khung hình phạt sau:

– Khung 1: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Khung 2: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:

+ Có tổ chức;

+ Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2);

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Khung 3: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:

+ Đất trồng lúa có diện tích từ 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 80.000 mét vuông (m2) trở lên;

+ Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.

       Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khi quy định về các tình tiết định khung tăng nặng, điểm tiến bộ của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999 là nhà làm luật đã định lượng rõ ràng, không còn tình trạng quy định chung chung như quy định của BLHS năm 1999 (BLHS năm 1999 quy định các tình tiết tăng nặng như đất có diện tích rất lớn hoặc có giá trị rất lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng…) Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 còn bổ sung tình tiết định khung tăng nặng mới – tình tiết “ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” vào Khoản 2 Điều 229. Tuy nhiên, có thể thấy là áp dụng tình tiết này vào thực tế không hề đơn giản vì rất khó xác định thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội”. Do vậy, nếu văn bản hướng dẫn không làm rõ tình tiết này thì có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong áp dụng.

 

Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai

1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);

b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2);

c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;

b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

 

Quang Thắng