Tìm hiểu nội dung Điều 241 BLHS năm 2015 về “Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật”

1473
Đánh giá bài viết

Tội phạm này xâm phạm tới các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể là xâm phạm các quy định về bảo vệ sự tồn tại và phát triển của các loài động vật, thực vật trong môi trường sinh thái. Đối tượng tác động của tội phạm là các loại động vật, thực vật, kể cả là vật nuôi, cây trồng và các loài trong hệ sinh thái.

 

Ảnh minh họa.

 

Điều luật đã bổ sung hành vi “cho phép đưa vào, mang ra khỏi vùng có dịch động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh” để quy định rõ chủ thể của tội phạm là những người có chức vụ, quyền hạn.

Hành vi khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật. Dịch bệnh này là loại dịch bệnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể theo từng thời kỳ, từng giai đoạn dựa trên cơ sở phát triển dịch bệnh và khả năng chữa trị, khống chế đối với từng loại bệnh. Một số loại dịch bệnh thường thấy ở động vật, thực vật như lở mồm, long móng, nhiễm vi rút ký sinh trùng, bệnh dại…Hành vi làm lây lan thể hiện như sau:

+ Đưa vào, mang ra hoặc cho phép đưa vào, mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động, thực vật hoặc các sản phẩm động, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh, có nghĩa là cố tình đưa các động vật hoặc sản phẩm đã mang các bệnh như gà cúm, bò điên…vào hoặc ra khỏi khu vực hoặc các loại thực vật đã bị nhiễm bệnh như bệnh vàng lá, khô vằn…

+ Đưa vào Việt Nam các loại động vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy địnhcủa pháp luật về kiểm dịch. Đối tượng kiểm dịch bao gồm: động vật, thực vật, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi, các phương tiện giết mổ, bao bì đóng gói…

+ Cho phép đưa vào Việt Nam các loại động, thực vật….thuộc đối tượng kiểm dịch, có nghĩa là người có chức vụ quyền hạn biết rõ các đối tượng trên là các loại kiểm dịch nhưng không thực hiện các quy định về kiểm dịch vẫn cho phép đưa vào Việt Nam.

+ Các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật có thể là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật như không tổ chức kịp thời việc khoanh vùng, tẩy uế, khu vực có dịch bệnh để cho dịch bệnh lây lan thêm…

+ Điều kiện để truy cứu TNHS đối với tội phạm này là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm.

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, động cơ, mục đích phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc.

Tội phạm được thực hiện bởi bất kì người nào có đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi quy định của pháp luật hình sự. Ngoài ra, hành vi cho phép đưa vào Việt Nam các loại động, thực vật…mang bệnh nguy hiểm có khả năng lây nhiễm phải có dấu hiệu chủ thể đặc biệt, đó là người có chức vụ, quyền hạn trong việc kiểm dịch động, thực vật.

Điều 241 BLHS năm 2015 quy định các khung hình phạt sau:

– Khung 1. (cơ bản) Người phạm tội vi phạm khoản 1Điều 241 BLHS năm 2015 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc 06 tháng đến 02 năm.

– Khung 2. (tăng nặng) Nếu vi phạm khoản 2 của Điều luật thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm, áp dụng đối với các trường hợp:

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Khung 3. (tăng nặng) Nếu vi phạm khoản 3 của Điều luật thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, áp dụng đối với các trường hợp:

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 241. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa vào, mang ra hoặc cho phép đưa vào, mang ra khỏi vùng có dịch động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc diện kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

a) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

 

Quang Thắng