Tìm hiểu nội dung Điều 242 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản”

14489
Đánh giá bài viết

Chế độ bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Nhà nước là khách thể của tội phạm.Mọi sinh vật có giá trị kinh tế, khoa học sống ở các vùng nước nội địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là đối tượng tác động của tội phạm này.

 

Ảnh minh họa.

 

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý.

Mặt khách quan của tội phạm tội phạm này được thực hiện bởi những hành vi khách quan sau:

+ Khai thác thủy sản không bảo đảm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện ngư cụ khác bị cấm như đèn thủy ngân, lưới quét nhiều tầng trong mùa sinh sản để khai thác thủy sản dẫn đến việc hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Hoặc khai thác thủy sản ở khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản hoặc trong thời gian không được khai thác và các loại thủy sản quí hiếm trong danh mục cấm khai thác; khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này.

+ Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản quí hiếm trong danh mục cần được bảo vệ của Chính phủ. Hành vi phá hoại này có thể dùng sức mạnh vật chất như dùng chất nổ hoặc dùng các hóa chất…để phá hoạt nơi cư ngụ của thủy sản làm cho môi trường sống ở đó bị biến dạng dẫn đến các loài thủy sản không phát triển được, bị tuyệt diệt hoặc bỏ đi nơi khác.

+ Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 21%;

+ Các hành vi khác vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

– Điều kiện để truy cứu TNHS đối với các hành vi trên thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất: Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản htu được giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

Thứ hai: Đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi trên mà vẫn còn vi phạm. Để xác định là đã bị xử phạt hành chính về các hành vi nói trên thì phải có quyết định xử phạt hành chính về các hành vi đó và thời hạn chưa qua một năm kể từ thời điểm ra quyết định xử phạt.

Thứ ba: Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà vẫn còn vi phạm. Điều đó được hiểu là trước đó đã có lần vi phạm, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích, nay lại có hành vi vi phạm bết kì hành vi nào được quy định tại Điều luật này.

Điều 242 BLHS quy định các khung hình phạt sau:

­ – Khung cơ bản: Nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

  • Khung tăng nặng: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 05 năm, áp dụng đối với các trường hợp:

     + Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

     + Làm chết người;

     + Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122 % đến 200%.

  • Khung tăng nặng: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 5năm đến 10 năm, áp dụng đối với các trường hợp:

     + Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 1.500.000.000 trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

     + Làm chết 02 người trở lên;

     + Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại:

Điều luật cũng đã bổ sung TNHS của pháp nhân thương mại, theo đó nếu pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng trở lên đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Điều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản

1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;

b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;

c) Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này;

d) Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:

a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Làm chết người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.”.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Tiêu Dao