Tìm hiểu nội dung Điều 243 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về ‘Tội hủy hoại rừng”

10709
Đánh giá bài viết

Tội phạm này xâm phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể là xâm phạm các quy định về bảo vệ rừng của Nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm là các loại thực vật, thảm thực vật, các loại sinh vật trong môi trường sinh thái là rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Ảnh minh họa.

 

* Chủ thể của tội phạm: Là cá nhân và pháp nhân thương mại.

* Mặt khách quan của tội phạm:

Quy định chung tại Điều 189 BLHS năm 1999 sửa đổi năm 2009: “người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoạt rừng gây hậu quả nghiêm trọng”, “hủy hoại diện tích rừng rất lớn”, “hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn” đã được BLHS năm 2015 thay bằng những định lượng cụ thể như: hủy hoại cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 30.000m2; rừng sản xuất có diện tích từ 5.000m2 trở lên, rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000m2 trở lên, rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000m2 trở lên, gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ trên 50 triệu đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích, thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;…

+ Hành vi khách quan của tội phạm này thể hiện bằng những hành vi sau:

– Đốt rừng trái phép để làm nương rẫy: là hành vi đốt, phá rừng làm nương, rẫy ngoài vùng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định.

– Hành vi phá rừng trái phép là hành vi phá rừng để lấy đất trồng trọ, chăn nuôi, xây dựng đường, nhà cửa, đường dây điện, làm công trình thủy lợi, khai thác than, tài nguyên khoáng sản khác, đào đắp bờ trong rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hoặc được phép phá rừng nhưng không thực hiện đúng quy định như phá rừng ngoài phạm vi, vượt diện tích cho phép.

– Tội phạm thực hiện có thể bằng hành vi khác như sử dụng các loại hóa chất hoặc gieo rắc các loại sâu bọ, côn trùng có hại để hủy hoại rừng.

+ Đối với diện tích rừng hoặc giá trị lâm sản, thực vật dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e của khoản 1 Điều luật này thì điều kiện để truy cứu TNHS là: Đã xử phạt hành chính về một trong những hành vi trên mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ và mục đích đa dạng nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP.

* Điều 243 BLHS năm 2015 quy định các khung hình phạt sau:

– Đối với cá nhân:

+ Khung 1. (cơ bản) Nếu phạm tội theo khoản 1 của Điều luật này thì người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

+ Khung 2.(tăng nặng) Nếu phạm tội theo khoản 2 của Điều luật này thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, áp dụng đối với các trường hợp như: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Tái phạm nguy hiểm; Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới dưới 50.000 mét vuông (m2); Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới dưới 10.000 mét vuông (m2); Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới dưới 5.000 mét vuông (m2); Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

+ Khung 3. (tăng nặng) Nếu phạm tội theo khoản 3 của Điều luật này thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, áp dụng đối với các trường hợp như: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên; Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên; Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Đối với pháp nhân thương mại:

+ Hình phạt chính: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời gian từ 06 tháng đến 03 năm; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

+ Hình phạt bổ sung: Pháp nhân còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);

d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);

đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);

đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);

h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

i) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;

b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên;

c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên;

d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;

đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.”;

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Quang Thắng