Tìm hiểu nội dung Điều 25 BLTTHS năm 2015 về “Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai”

1699
Đánh giá bài viết

Đây là một nguyên tắc hiến định, được Hiến pháp năm 2003 ghi nhận tại Điều 103: Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín và được cụ thể hóa bằng Điều 25 BLTTHS năm 2015.

 

Ảnh minh họa.

 

– Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Quyền được xét xử kịp thời, công bằng là một nhân quyền cơ bản và có tính phổ quát cao, tồn tại trong các vụ án hình sự. Việc đối xử với một người khi họ bị buộc tội phản ánh rõ nhà nước tôn trọng nhân quyền đến mức nào, bởi vậy, quyền được xét xử công bằng đã được coi là một hòn đá tảng của các xã hội dân chủ. Giống như đặc tính của mọi nhân quyền là phụ thuộc lẫn nhau, quyền được xét xử công bằng với các quyền khác có mối quan hệ hai chiều. Một phiên tòa công bằng, là yếu tố thiết yếu để đảm bảo các quyền cơ bản khác của con người như quyền sống, quyền được an toàn về thân thể, tự do ngôn luận…Ngược lại, trong một xã hội không dân chủ, các quyền cơ bản của con người không được tôn trọng thì khó có thể có chuyện mọi người đều được xét xử công bằng. Đối với Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trong trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.

– Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự. Thông thường, việc xét xử được tiến hành ở trụ sở của Tòa án. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án mời, triệu tập để xét hỏi (khoản 5 Điều 246). Tuy nhiên, thực tế đối với những vụ án quan trọng, số người muốn tham dự đông, Tòa án chỉ có thể mời một số đại biểu cơ quan, đoàn thể và cho phép một số người vào tham dự để phù hợp với chỗ ngồi của phòng xử án. Trong trường hợp đặc biệt thì Tòa án có thể xử kín nhưng phải tuyên án công khai; đó là những trường hợp sau: cần giữ bí mật nhà nước, cần giữ thuần phong, mỹ tục của dân tộc, cần bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Ví dụ, trong những vụ hiếp dâm, người bị hại phải kể tỉ mỉ các tình tiết của vụ án, người giám định cũng cần đưa ra kết luận về người bị hại…Nếu xét xử công khai sẽ ảnh hưởng đến danh dự, bí mật đời tư, hạnh phúc gia đình hoặc tương lai của người bị hại; do vậy, khi người bị hại yêu cầu thì tòa án phải xem xét, quyết định việc xử kín. Trong trường hợp Toàn án xét xử kín thì tuyên án vẫn phải công khai.

Xét xử công khai là một biểu hiện dân chủ của tố tụng hình sự Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao tác dụng giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án và nâng cao tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm.

Nguyên tắc xét xử công khai chỉ áp dụng đối với thủ tục xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, không áp dụng đối với thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.

Việc xét xử công khai hay xét xử kín là do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định trên cơ sở xem xét nội dung vụ án và yêu cầu của đương sự.

 

Điều 25. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai

1. Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.

2. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

 

 

Thanh Đạt