Tìm hiểu nội dung Điều 315 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”

5281
Đánh giá bài viết

Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là hành vi khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc tuy có phép nhưng thực hiện không đúng các quy trình về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, do người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS vô ý gây nên những thiệt hại nhất định cho xã hội mà theo quy định phải chịu TNHS.

Ảnh minh họa.

* Khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm vào an toàn khám chữa bệnh bằng việc vi phạm những quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh,sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Tội phạm thể hiện ở hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng như quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

+ Khám bệnh, chữa bệnh vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; về điều kiệm hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định về chuyên môn kỹ thuật; quy định về sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện điều trị nội trú…

+ Vi phạm các quy định về sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác như: không có trình độ, bằng cấp về dược học, y học, không đảm bảo quy trình sản xuất pha chế, cấp phát cũng như bán thuốc theo quy định của nhà nước, pha chế thuốc không đúng công thức, liều lượng, cấp thuốc không có đơn chỉ dẫn của bác sĩ hoặc thực hiện những công việc trái với quy tắc nghề nghiệp…

Khám chữa bệnh và các loại thuốc ở đây bao hàm cả đông y và tây y, bằng thuốc tây y, thuốc bắc, thuốc nam, phẫu thuật, chụp X quang, laser, siêu âm, bắt mạch, kê đơn..v.v.

Các quy định này chủ yếu do Bộ Y tế ban hành. Khi xác định hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ nghiên cứu các văn bản quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, mà cần tham khảo ý kiến của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Nếu vi phạm vào việc quản lý các loại thuốc gây nghiện thì xem xét TNHS theo điều 259 BLHS năm 2015.

– Để truy cứu TNHS về tội này cần có một trong các điều kiện sau:

+ Gây chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên;

* Chủ thể của tội phạm: Tội phạm được thực hiện bởi người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS.

* Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý. Các trường gây ra các thiệt hại cụ thể thì tội phạm được thực hiện có lỗi vô ý có thể là quá tự tin hoặc cẩu thả.

* Điều 315 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định các khung hình phạt như sau:

– Khung 1. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Làm chết 01 người;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Khung 2. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 121% đến 200 %;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1000.000.000 đồng;

– Khung 3. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Làm chết 03 người trở lên ;

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Quang Thắng