Tìm hiểu nội dung Điều 379 BLHS về “ Tội không thi hành án”

2025
Đánh giá bài viết

Tội phạm này xâm phạm vào sự hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước trong hoạt động thi hành án (bao gồm cả thi hành án hình sự, dân sự…).

 

Ảnh minh họa.

 

Tội phạm được thực hiện bởi người có trách nhiệm trong việc ra quyết định thi hành án hoặc người có trách nhiệm phải tổ chức thi hành bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án.

Đây là tội phạm được thực hiện dưới hình thức không hành động phạm tội. Tội phạm được thể hiện ở hành vi cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

– Không ra quyết định thi hành án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật: Nghĩa là, theo quy định của pháp luật, khi bản án hoặc quyết định của Tòa án đã tuyên có hiệu lực pháp luật thì người có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành nhưng đã không ra quyết định thi hành án. Ví dụ như Chấp hành viên Cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.

– Không thi hành quyết định thi hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án là trường hợp: cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án và phân công trách nhiệm cho người thi hành, nhưng người này đã cố tình không thi hành quyết định trên; ra lệnh hoặc thi hành án hoặc tàm đình chỉ thi hành án trái quy định của pháp luật; hết thời hạn tạm hoãn thi hành án nhưng vẫn trì hoãn việc thi hành mặc dù hoàn toàn có đủ căn cứ, điều kiện để thi hành.

Việc thực hiện một trong các hành vi nêu trên chỉ cấu thành tội phạm khi thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

Đã bị xữ lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; hoặc dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn; hoặc dẫn đến hết thời hiệu thi hành án; hoặc dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên.

Như vậy, điều kiện để truy cứu TNHS hiện nay được quy định mở rộng và cụ thể hơn BLHS năm 1999.

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Động cơ, mục đích phạm tội đa dạng nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này.

Điều 379 BLHS năm 2015 quy định 3 khung hình phạt như sau:

Quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Quy định hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm với các trường hợp sau: Phạm tội 02 lần trở lên; Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 200 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng.

Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi có một trong các tình tiết: Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 01 tỷ đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 379. Tội không thi hành án

1. Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;

c) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;

d) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Tiêu Dao