Tìm hiểu nội dung Điều 419 BLTTHS năm 2015 về “Áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế”

9778
Đánh giá bài viết

Người dưới 18 tuổi nếu bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn mang tính chất giam, giữ thì những ảnh hưởng của các biện pháp này nghiêm trọng hơn so với người thành niên.

Ảnh minh họa.
Ðiều 419. Áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

1. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết.

Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.

3. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.

4. Đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

5. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện của họ biết.

– Điều luật quy định chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết được hiểu là việc áp dụng các biện pháp này là cuối cùng, khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Điều này xuất phát từ việc người dưới 18 tuổi nếu bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn mang tính chất giam, giữ thì những ảnh hưởng của các biện pháp này nghiêm trọng hơn so với người thành niên.

Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam cũng phải ngắn hơn thời hạn áp dụng đối với người thành niên, điều luật quy định thời hạn tạm giam chỉ bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng khi đã áp dụng biện pháp tạm giam luôn phải xem xét sự cần thiết của việc tạm giam, có cần thiết tiếp tục áp dụng nữa hay không để hủy bỏ hay thay thế bằng một biện pháp ít nghiêm khắc hơn hoặc không cần thiết áp dụng thêm bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào khác.

– Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, tạm giữ, tạm giam được chia thành hai trường hợp theo nhóm tuổi với người bị buộc tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Cụ thể:

Thứ nhất, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự (tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với một số tội danh cụ thể) nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111, 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS năm 2015 (xem bình luận Điều 119).

Thứ hai, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111, 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS năm 2015 (xem bình luận Điều 119).

– Đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, quy định này tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nhưng thường có những đặc điểm như: là đối tượng lang thang, không nơi cư trú rõ ràng, có tiền án, tiền sự, phạm tội mang tính chất lưu manh, côn đồ hoặc băng nhóm chuyên nghiệp, nếu không tạm giam thì nguy cơ tiếp tục phạm tội là rất cao. Thực tế những năm qua việc không thể áp dụng biện pháp tạm giam đã dẫn tới những khó khăn rất lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

– Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện của họ biết. Quy định này tạo điều kiện để người đại diện cho người dưới 18 tuổi chủ động tham gia tố tụng, tham gia các hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 420 của BLTTHS năm 2015.

Thanh Đạt