Tìm hiểu nội dung Điều 443 BLTTHS năm 2015 về “Tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo”

7066
Đánh giá bài viết

Trong điều luật 443 BLTTHS năm 2015 tạm đình chỉ điều tra là việc tạm ngừng tiến hành điều tra với bị can là pháp nhân bị khởi tố về hình sự.

Ảnh minh họa.

– Tạm đình chỉ điều tra nói trong điều luật này là việc tạm ngừng tiến hành điều tra với bị can là pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Việc tạm đình chỉ điều tra đối với pháp nhân xuất phát từ những lý do khách quan khiến cho Cơ quan điều tra mặc dù chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về kết quả điều tra vụ án nhưng nếu tiếp tục tiến hành điều tra thì sẽ vi phạm thời hạn luật định. Điều luật này quy định Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với pháp nhân trong ba trường hợp: khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra. Mặc dù việc điều tra vụ án đã bị tạm đình chỉ nhưng việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả. Kết quả của việc giám định, định giá tài sản, kết quả hoạt động tương trợ tư pháp sẽ là căn cứ quan trọng để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi điều tra hoặc đình chỉ điều tra.

– Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường, tùy vào thời điểm giải quyết vụ án mà Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đưa ra quyết định đình chỉ điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án trong các trường hợp nhất định. Tuy nhiên, quy định của điều luật về việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án lại không có sự tách bạch rõ ràng và điều này cho thấy sự chưa thống nhất giữa các quy định về đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án theo thủ tục đặc biệt với thủ tục thông thường. Vì vậy, cần thiết phải có sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền để có cách hiểu và áp dụng đúng đắn, thống nhất.

Cụ thể: điều luật quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo là pháp nhân khi thuộc một trong các trường hợp: không có sự việc phạm tội; hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm; hành vi phạm tội của pháp nhân đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được pháp nhân thực hiện tội phạm; hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự chưa thống nhất về căn cứ đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử sư thẩm theo thủ tục thông thường với thủ tục đặc biệt được áp dụng với pháp nhân thể hiện ở chỗ nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án theo thủ tục thông thường, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phát hiện không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm thì không được đưa ra quyết định đình chỉ vụ án mà phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, còn trong thủ tục đối với pháp nhân thì lại được đưa ra quyết định này. Như vậy là cùng căn cứ như nhau nhưng lại có cách giải quyết khác nhau và lý do tại sao lại có quy định khác nhau như vậy cần phải được lý giải trong văn bản hướng dẫn.

Điều 443. Tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo

1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra. Trường hợp này việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

2. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo là pháp nhân khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Không có sự việc phạm tội;

b) Hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm;

c) Hành vi phạm tội của pháp nhân đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

d) Hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được pháp nhân thực hiện tội phạm;

đ) Hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.