Tìm hiểu nội dung Điều 49 BLHS năm 2015 về “Bắt buộc chữa bệnh”

7602
Đánh giá bài viết

 Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp được quy định trong BLHS, do tòa án, viện kiểm sát căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể ra quyết định áp dụng đối với người thực hiện (trước, trong hoặc sau khi thực hiện) hành vi nguy hiểm cho xã hội khi không có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, tức là không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình và buộc phải chữa bệnh tại một cơ sở điều trị chuyên khoa.

 

Ảnh minh họa.

 

Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp thể hiện sự nhân đạo của pháp luật, của Nhà nước. Mục đích của biện pháp tư pháp này là phòng ngừa khả năng gây thiệt hại cho trật tự an toàn xã hội của những người mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là:

– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

– Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

– Người đang chấp hành hình phạt mà bị mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Căn cứ để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với các đối tượng trên là kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần của Hội đồng giám định có thẩm quyền.

Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là Viện kiểm sát hoặc Tòa án (tùy theo giai đoạn tố tụng: giai đoạn điều tra, truy tố hoặc giai đoạn xét xử vụ án hình sự) căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để ra quyết đưa người bị áp dụng biện pháp này vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 49 BLHS năm 2015 thì chỉ Tòa án mới có thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Sau khi khỏi bệnh, người có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu không có lý do khác, để được miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt theo Điều 29 và Điều 59 BLHS năm 2015.

Về thời gian bắt buộc chữa bệnh, căn cứ vào kết luận của cơ sở điều trị chuyên khoa, nếu người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, thì tùy theo giai đoạn tố tụng mà viện kiểm sát hay Tòa án xét và quyết định đình chỉ việc thi hành án biện pháp này. Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp nhằm hỗ trợ cho hình phạt, vừa nhằm thể hiện tính nhân đạo của Pháp luật Việt Nam. Chính vì vậy, theo quy định tại điều 49 BLHS năm 2015, thời gian bắt buộc chữa bệnh không bị hạn chế về thời hạn, người được đưa vào các cơ sở điều trị chuyên khoa sẽ được điều trị cho đến khi khỏi bệnh. Việc xác định người phạm tội đã khỏi bệnh hay chưa phải căn cứ kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần của hội đồng giám định có thẩm quyền. Đối với người đang chấp hành án phạt tù thì thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Ngoài các biện pháp tư pháp cụ thể được áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội kể trên, BLHS còn quy định các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Khi họ phạm tội, Tòa án căn cứ vào quy định của BLHS, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96 BLHS năm 2015).

Như vậy, các biện pháp tư pháp không phải là hình phạt mà chỉ là những biện pháp hỗ trợ cho hình phạt, có vai trò quan trọng trong đấu tranh – phòng chống tội phạm. Qua đó để bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh

1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

 

 

Quang Thắng