Tìm hiểu nội dung Điều 5 BLTTHS năm 2015 về “ Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.”

4612
Đánh giá bài viết

Đấu tranh phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên lâu dài của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, do các cơ quan bảo vệ pháp luật và lực lượng chuyên trách làm nòng cốt. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong các Văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta, như: Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (1998 – 2010) của Ban Chỉ đạo 138/CP, Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới …

 

Ảnh minh họa.

 

– Để đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách có hiệu quả, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cũng như BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong đấu tranh chống, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, nếu BLTTHS năm 2003 đặt điều luật này trong chương “Những nguyên tắc cơ bản” là chưa phù hợp vì đây là quy định về trách nhiệm của các chủ thể, không mang tính chất là một nguyên tắc cơ bản. BLTTHS năm 2015 đã sửa theo hướng đặt quy định này tại chương I “Phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ, hiệu lực của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

–  Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, trước tiên cần đặt ra trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước hay bộ máy Nhà nước. Đấu tranh phòng chống tội phạm vừa thể hiện tính chất chuyên chính của Nhà nước, vừa thể hiện tính chất xã hội, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với xã hội và mỗi công dân. Đấu tranh phòng chống tội phạm là góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, là trách nhiệm chung của cơ quan nhà nước, các cơ quan nhà nước trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

Điều luật yêu cầu người đứng đầu cơ quan nhà nước – thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

– Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm: phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mọi tổ chức cá nhân, là trách nhiệm của mọi chủ thể trong xã hội, là trách nhiệm của công dân.

– Điều luật quy định về mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại giữa cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm:

Thứ nhất, cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ, nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Thứ ba, điều luật quy định về mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cơ quan thanh tra, kiểm toán là các cơ quan trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn luật định, có điều kiện phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trong các lĩnh vực được thanh tra, kiểm toán, theo đó: khi phát hiện vụ có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

 

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

4. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

5. Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

6. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

 

 

Thanh Đạt