Tìm hiểu nội dung Điều 51 BLHS năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”

42505
Đánh giá bài viết

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định trong BLHS hoặc được Tòa án xác định có vai trò làm giảm nhẹ đi trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong khung hình phạt được áp dụng.

 

Ảnh minh họa.

 

Việc quy định các tình tiết giảm nhẹ không chỉ là sự cụ thể hóa nguyên tắc nhân đạo, một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự mà còn thể hiện được nội dung nguyên tắc cá thể hóa hình phạt – nguyên tắc đặc thù của luật hình sự.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015 đã có sự sửa đổi bổ sung trên cơ sở kế thừa phần lớn các quy định trước đó của BLHS năm 1999. Cụ thể, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 bao gồm 22 tình tiết, tăng 4 tình tiết so với quy định trước đây tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 là 18 tình tiết. Bốn tình tiết giảm nhẹ được bổ sung trong BLHS năm 2015 được quy định tại các điểm đ, l, p, x khoản 1 Điều 51. Bên cạnh đó, một số tình tiết giảm nhẹ của BLHS năm 1999 đã được sửa đổi trong BLHS năm 2015. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS năm 2015 được hiểu cụ thể như sau:

– Tình tiết “ người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Để áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm sau khi phạm tội phải có hành vi tích cực để ngăn chặn tác hại của tội phạm, hoặc làm giảm bớt các tác hại đó. Hành vi ngăn chặn tác hại của tội phạm được thực hiện khi tội phạm mà người đó thực hiện chưa gây tác hại, đồng thời, việc ngăn chặn phải thực sự có hiệu quả, tức là tác hại của tội phạm không phát sinh do đã được ngăn chặn kịp thời. Hành vi làm giảm bớt tác hại của tội phạm được người phạm tội thực hiện khi tội phạm mà họ gây ra trước đó đã bắt đầu phát sinh tác hại, tuy nhiên các tác hại này đã được hạn chế, giảm bớt do hành động tích cực của người phạm tội. Việc ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm có thể do người phạm tội tự quyết định thực hiện hoặc do người khác khuyên bảo. Pháp luật không đòi hỏi người phạm tội phải tự mình quyết định hành động, chỉ cần họ tự thực hiện việc ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm mà họ gây ra và hành động này mang lại hiệu quả khiến tác hại của tội phạm thực sự được ngăn chặn hoặc giảm bớt.

– Tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Tình tiết này được hiêu là, trước khi người bị thiệt hại có yêu cầu đòi sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả, người phạm tội đã tự nguyện thực hiện hoạt động này. Đây là trường hợp hành vi của người phạm tội đã gây ra hậu quả của tội phạm thể hiện dưới dạng thiệt hại cụ thể hoặc những hậu quả khác. Người phạm tội sau đó đã tự mình quyết định việc và thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả của tội phạm mà mình gây ra mà không phải do người bị thiệt hại hoặc người khác yêu cầu, ép buộc. Sửa chữa thiệt hại được hiểu là sửa lại, chữa lành những cái bị hành vi phạm tội làm hư hỏng. Ví dụ: A có hành vi dùng gậy đập vỡ yếm chiếc xe máy mới mua của B, sau đó, A đã chủ động tự nguyện mang xe của B đi hàn lại yếm. Bồi thường thiệt hại được hiểu là dùng tiền hoặc tài sản của mình đưa cho người bị thiệt hại để bù đắp lại những thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra bao gồm cả những thiệt hại về vật chất, thể chất hoặc những thiệt hại về tinh thần. Ví dụ: M sau khi cố ý gây thương tích cho T đã chủ động sang thăm hỏi, trả tiền viện phí và bồi thường cho T một khoản tiền cho những thiệt hại mà mình gây ra. Khắc phục hậu quả là trường hợp hành vi phạm tội gây ra những hậu quả không phải dưới dạng thiệt hại về vật chất, không thể sửa chữa hay bồi thương được, buộc người phạm tội phải có những hành động tích cực nhằm khắc phục những hậu quả đó. Tình tiết giảm nhẹ này phần nào thể hiện thái độ ăn năn, hối lỗi của người phạm tội đối với hành vi mà mình đã gây ra. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này phụ thuộc vào thái độ cố gắng, tự nguyện muốn chuộc lỗi của người phạm tội và mức độ hậu quả được khắc phục trên thực tế.

– Người phạm tội được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi “phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Phòng vệ chính đáng là một trong những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS năm 2015. Khi chống trả lại một cách cần thiết người có hành vi xâm phạm các quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức trong xã hội, người thực hiện quyền phòng vệ không phải chịu trách nhiệm hình sự vì phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp người có hành vi bảo vệ các lợi ích chính đáng lại chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại và có căn cứ cho thấy việc chống trả rõ ràng là quá mức thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá. Sự chống trả quá mức ở đây phải được thể hiện rõ ràng và có lỗi của người thực hiện hành vi chống trả, ví dụ như sử dụng công cụ, phương tiện quá nguy hiểm so với tình huống, đánh giá sai tình huống phòng vệ,…Mặc dù vậy iệm hình sự của người thực hiện hành vi vượt giới hạn phòng vệ chính đáng không như những trường hợp bình thường vì động cơ phạm tội là động cơ tốt để bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, của tổ chức, quyền lợi và lợi ích chính đáng của người phòng vệ hoặc người khác. Vì thế, đây được coi là một trường hợp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

– Người phạm tội được giảm nhẹ khi “phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết”. “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa” (Điều 23 BLHS năm 2015). Nếu thiệt hại gây ra nhỏ hơn thiệt hại cần  ngăn ngừa thì hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng không nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì người gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, cũng giống như trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vì động cơ thực hiện hành vi ở đây là động cơ tích cực, để tránh gây thiệt hại lớn hơn cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức.

– Tình tiết “phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” điểm đ khoản 1. Đây là tình tiết giảm nhẹ mới được quy định trong BLHS năm 2015. Trong trường hợp vì bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải dùng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. Đây là một trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự mới được công nhận trong BLHS năm 2015. Nếu khi thực hiện việc bắt giữ đã sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết gây thiệt hại thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. Do động cơ gây thiệt hại ở đây là động cơ tích cực, muốn bắt giữ người phạm tội nên trường hợp gây thiệt hại do vượt quá mức cần thiết này được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

– Tình tiết “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Đây là trường hợp được giảm nhẹ liên quan đến phản ứng do bị kích động về tinh thần của người phạm tội. Trong trạng thái tinh thần bị kích động, người phạm tội đã bị cảm xúc chi phối phần nào hành vi của mình, do đó đã không hoàn toàn chủ động khi thực hiện hành vi. Trạng thái tinh thần bị kích động của người phạm tội là do nạn nhân đã có hành vi trái pháp luật trước đó, đây là lí do khiến người phạm tội đã không làm chủ và kiểm soát hoàn toàn được hành vi của mình. Hành vi của nạn nhân ở đây không nhất thiết phải cấu thành tội phạm, đó có thể chỉ là những vi phạm pháp luật khác. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mức độ bị kích động của người phạm tội. Quy định này của BLHS năm 2015 có điểm khác so với quy định tương ứng trong BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Quy định trước đây xác định lý do khiến tinh thần người phạm tội bị kích động có thể từ hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác. “Người bị hại” là thuật ngữ được dùng trong Bộ luật Tố tụng hình sự với tư cách là người tham gia tố tụng, trong của BLHS năm 2015 các nhà làm luật đã sửa đổi thuật ngữ này thành “nạn nhân” là hoàn toàn hợp lý vì lúc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây ra trạng thái kích động cho người phạm tội họ chưa tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, hiện nay, luật hình sự không thừa nhận hành vi trái pháp luật do người khác, không phải là nạn nhân gây ra là nguyên nhân dẫn đến việc kích động nữa. Người phạm tội chỉ được giảm nhẹ trong trường hợp sự kích động của họ do chính nạn nhân tạo ra, còn trong trường hợp do người khác gây ra thì không được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

– Điểm g khoản 1 ghi nhận tình tiết “phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình gây ra” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tình tiết này được giữ nguyên từ BLHS năm 1999 được hiểu là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do bị chi phối bởi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hoàn cảnh này không phải do họ tự gây ra mà là do khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật, tai nạn,…Hoàn cảnh này có thể là hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của bản thân người phạm tội hoặc của gia đình họ, có thể tạm thời nảy sinh, hoặc đã tồn tại từ lâu,…Hoàn cảnh này phải là hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều so với mức bình thường. Chính sự đặc biệt khó khăn của hoàn cảnh đã khiến người phạm tội không tự mình vượt qua được và đã chọn thực hiện hành vi phạm tội. Đây là lý do là giảm bớt tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà họ gây ra, vì vậy, phạm tội trong hoàn cảnh khách quan khó khăn đặc biệt được coi là một yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này phụ thuộc bào mức độ khó khăn của hoàn cảnh và khả năng cố gắng tìm cách khắc phục những khó khăn đó của người phạm tội trước khi họ thực hiện hành vi phạm tội.

– Tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1. Đây cũng là một trong số những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không được sửa đổi bổ sung trong BLHS năm 2015. Trường hợp giảm nhẹ này được hiểu là người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội chưa gây ra thiệt hại gì, hoặc đã gây ra thiệt hại nhưng thiệt hại gây ra không lớn. Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại chưa xảy ra hoặc xảy ra không lớn là nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội. Vì hậu quả của phạm tội là một trong những yếu tố để đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, nên trường hợp phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

– Tình tiết quy định tại điểm y khoản 1 “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Đây là tình tiết phản ánh đặc điểm nhân thân của người phạm tội ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tình tiết này không được sửa đổi trong BLHS năm 2015. Để áp dụng tình tiết này người phạm tội phải thỏa mãn hai điều kiện: thứ nhất, trường hợp phạm tội lần này phải là lần đầu tiên họ thực hiện hành vi phạm tội; thứ hai, tội phạm mà họ thực hiện phải là tội ít nghiêm trọng, hoặc nếu không thì trường hợp phạm tội của họ phải có nhiều yếu tố làm cho trường hợp đó trở nên ít nghiêm trọng. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp này phụ thuộc nhiều vào mức độ ít nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

– “Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức” quy định tại điểm k khoản 1. Tình tiết này là một trong những tình tiết ảnh hưởng đến mức độ lỗi của người phạm tội. Nội dung của tình tiết này hoàn toàn được giữ nguyên như trong BLHS năm 1999 tuy nhiên có bổ sung từ “hoặc” cho thống nhất với một số tình tiết khác cũng có sự sửa đổi tương tự. Trường hợp này được hiều là người phạm tội không chủ động thực hiện hành vi phạm tội mà họ thực hiện dưới tác động của sự đe dọa hoặc cưỡng bức từ người khác. Tuy vậy, sự đe dọa hoặc cưỡng bức ở đây không làm người phạm tội mất đi sự tự do lựa chọn xử sự, mà chỉ làm họ suy giảm khả năng lựa chọn của mình. Đe dọa được hiểu là dọa dừng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần như dọa gây thương tích, dọa giết,…nếu người bị đe dọa không thực hiện tội phạm theo ý muốn của người đe dọa. Cưỡng bức là việc dùng vũ lực như đánh, bắt trói, giam giữ,…để buộc người khác phải thực hiện tội phạm theo ý của người đe dọa. Mức độ giảm nhẹ của tình tiết này phụ thuộc vào tính chất, mức độ của sự đe dọa, cưỡng bức.

– Tình tiết “phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” (điểm 1 khoản 1) là tình tiết mới được bổ sung vào BLHS năm 2015. Đối với tình tiết này mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng có thể hiểu theo tinh thần của quy định này là một số trường hợp, người thực hiện hành vi phạm tội trong khi bị hạn chế khả năng nhận thức do nguyên nhân khách quan chẳng hạn như bị cưỡng ép, lừa gạt để sử dụng chất kích thích mạnh. Vì vậy, đối với trường hợp phạm tội khi hạn chế khả năng nhận thức không phải do lỗi của mình sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào mức độ bị hạn chế khả năng nhận thức do yếu tố khách quan mang lại.

– Tình tiết quy định tại điểm m khoản 1 “phạm tội do lạc hậu” cũng là một tình tiết được giữ nguyên từ BLHS năm 1999 và phản ánh mức độ lỗi của người phạm tội. Trường hợp phạm tội này là do sự hạn chế về mặt nhận thức do trình độ lạc hậu, thấp kém, đi chậm so với tiến trình phát triển chung của xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu như yếu tố địa lý (sinh sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh), yếu tố dân tộc (người dân tộc thiểu số), yếu tố văn hóa tín ngưỡng (mê tín, hủ tục),…Khi cân nhắc việc giảm nhẹ đối với trường hợp này, Tòa án cần xem xét mức độ lạc hậu của người phạm tội trong mối quan hệ với các yếu tố ảnh hưởng đến sự lạc hậu.

– “Người phạm tội là phụ nữ có thai” là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, tình tiết này được giữ nguyên như quy định tại BLHS năm 1999. Tình tiết này phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội đó là việc họ thực hiện hành vi phạm tội khi đang mang thai. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của họ là sự thay đổi về tâm – sinh lý trong thời kỳ mang thai dẫn đến trạng thái nóng nảy, dễ bị kích động, khó kiểm soát hành vi. Bên cạnh đó, chính sách hình sự của nhà nước ta luôn nhân đạo đối với người phụ nữ mang thai và trẻ em nên đối tượng này khi phạm tội sẽ được giảm nhẹ hơn bình thường.

– Tình tiết tại điểm o khoản 1 “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” là một tình tiết có sự sửa đổi theo hướng cụ thể hóa so với quy định tương ứng trước kia trong BLHS năm 1999. Trước đây, tình tiết này được quy định là “người phạm tội là người già”. Hiện nay, theo định hướng cụ thể hóa các quy định trong BLHS, tình tiết này đã được sửa đổi rõ ràng hơn, cụ thể hơn bằng việc quy định cụ thể độ tuổi được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Quy định này xuất phát từ chính sách hình sự nhân đạo của nhà nước ta đối với người cao tuổi. Bên cạnh đó, yếu tố tâm – sinh lý lứa tuổi cũng được cân nhắc vì vào độ tuổi này, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ bị suy giảm, điều này phần nào ảnh hưởng đến tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà họ thực hiện. Do đó, tình tiết liên quan đến hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội vì họ là người già cần phải được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

– Tình tiết “người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng” (điểm p khoản 1) là tình tiết mới được bổ sung vào Điều 51 BLHS năm 2015. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật năm 2010,  “người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Đặc điểm này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội là người khuyết tật. Đồng thời, chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người khuyết tật là một yếu tố quyết định việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người khuyết tật khi họ phạm tội. Tuy vậy, chỉ những người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Người khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng được ghi nhận trong Luật Người khuyết tật năm 2010. Theo quy định này: “Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày” (điểm a khoản 2 Điều 3 Luật người khuyết tật năm 2010). “Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày” (điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Người khuyết tật năm 2010).

– “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 là tình tiết đã được quy định từ BLHS năm 1999. Tình tiết này ảnh hưởng đến mức độ lỗi của người phạm tội vì người phạm tội ở đây là người mắc bệnh dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi hạn chế, do đó, trách nhiệm hình sự của họ cũng hạn chế, họ được giảm nhẹ so với những trường hợp phạm tội thông thường. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của bệnh tật tới khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của họ.

– Tình tiết “người phạm tội tự thú” (điểm r khoản 1) cũng không được sửa đổi trong BLHS năm 2015. Tình tiết này phản ánh khả năng cải tạo của người phạm tội. Để được coi là tự thú, người phạm tội phải chủ động đến cơ quan có thẩm quyền trình diện và khai báo về hành vi của mình trước khi tội phạm bị phát hiện. Quy định này phù hợp với nguyên tắc xử lý “khoan hồng đối với người tự thú” ghi nhận tại điểm d Điều 3 BLHS năm 2015.

– “Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1, mặc dù vẫn giữ nguyên nội dung như quy định trước đây trong BLHS năm 1999, nhưng với việc sửa đổi trong BLHS năm 2015 cách áp dụng tình tiết này đã có sự thay đổi. Để được giảm nhẹ, người phạm tội chỉ cần thỏa mãn một trong hai điều kiện: thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải. Thành khẩn khai báo được hiều là trường hợp người phạm tội đã tự nguyện khai báo rõ ràng, chính xác về toàn bộ hành vi phạm tội của mình và những người đồng phạm khác. Ăn năn hối cải được hiểu là người phạm tội sau khi thực hiện hành vi cảm thấy day dứt, thể hiện thái độ hối hận của mình vì đã thực hiện tội phạm, đồng thời thể hiện mong muốn cải tạo tốt để sửa chữa lỗi lầm thông qua việc chấp hành pháp luật, tích cực lao động, sản xuất,…Tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ phản ánh được khả năng cải tạo của người phạm tội, cũng là tình tiết cụ thể hóa tinh thần của điểm d khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015 “Khoan hồng đối với người tự thú,…thành khẩn khai báo,…ăn năn hối cải,…”.

– Tình tiết quy định tại điểm t khoản 1 “người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án”. Mặc dù không phải là tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng tình tiết này vẫn được sửa đổi về mặt kỹ thuật, không làm thay đổi mà giúp diễn đạt rõ ràng hơn nội dung của tình tiết, đồng thời thể hiện sự thống nhất, đồng bộ trong việc sửa đổi các tình tiết giảm nhẹ trong BLHS năm 2015. Để được coi là “tích cực giúp đỡ”, người phạm tội phải cung cấp bằng chứng, tài liệu, tin tức cho cơ quan có trách nhiệm hoặc thực hiện đúng các yêu cầu của các cơ quan đó. Việc làm của người phạm tội đã giúp các cơ quan có trách nhiệm phát hiện ra tội phạm hoặc điều tra tội phạm một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào hiệu quả từ việc cung cấp thông tin, tài liệu trong việc phát hiện hoặc điều tra tội phạm.

– Tình tiết “Người phạm tội đã lập công chuộc tội” hoàn toàn được giữ nguyên nhân quy định trước đây trong BLHS năm 1999. Để áp dụng tình tiết này, người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội, đã có thành tích, hành động tích cực đáng hoan nghênh nhằm chuộc lại phần nào lỗi lầm mà họ đã gây ra. Thành tích có thể là việc cứu người trong tình trạng nguy hiểm, cứu hỏa,…thể hiện sự hối lỗi và quyết tâm cải tạo của người phạm tội. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thành tích đạt được và mức độ tích cực của người phạm tội.

– Điểm v khoản 1 quy định tình tiết “người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác”. Tình tiết này là sự kế thừa của BLHS năm 2015 với quy định tương ứng trong BLHS năm 1999. Tình tiết này được áp dụng trong trường hợp người phạm tội đã được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen của Chính phủ hoặc nhiều năm là chiến sĩ thi đua, được phong danh hiệu anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân,…hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị lớn.

– Tình tiết “người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ” (điểm x khoản 1) là tình tiết mới,lần đầu được ghi nhận trong BLHS năm 2015. Tình tiết này trước đây thường được áp dụng với tư cách là tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999, nay được ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ chính thức tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Đây là tình tiết thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội là những đối tượng đặc biệt, là người có công với Cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Các tình tiết giảm nhẹ không chỉ được các nhà làm luật giới hạn trong khoản 1 Điều 51 mà còn có thể được Tòa án tự nêu ra quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội cụ thể nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án (khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015). Bên cạnh đó, theo quy định khoản 2 Điều 51 Tòa án có thể coi đầu thú là tình tiết giảm nhẹ và có giá trị tương đương với các tình tiết giảm nhẹ khác cùng khoản này, vì vậy tình tiết này cũng phải được ghi rõ trong bản án. Đây là điểm mới so với quy định tương ứng trong BLHS năm 1999. Trước đây, mặc dù đầu thú vẫn được coi là tình tiết giảm nhẹ của khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999, tuy nhiên các nhà làm luật không đề cập trực tiếp mà chỉ được liệt kê trong văn bản hướng dẫn. Đầu thú được hiểu là trường hợp người phạm tội đang bị truy nã và mặc dù có thể trốn tránh nhưng người đó đã tự mình ra trình diện và khai báo. Việc ghi nhận cụ thể tình tiết đầu thú tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 thể hiện tầm quan trọng của tình tiết này, đồng thời thể hiện sự khuyến khích của Nhà nước đối với những người phạm tội, đang truy nã ra trình diện để được sự khoan hồng của Nhà nước.

Khoản 3 Điều 51 BLHS năm 2015 giữ nguyên nội dung và tinh thần của khoản 3 Điều 46 BLHS năm 1999. Quy định này nhấn mạnh việc không cho phép Tòa án cân nhắc hai lần đối với cùng một tình tiết, tình tiết đã được sử dụng để định tội hoặc định khung hình phạt thì không được dùng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi quyết định hình phạt nữa.

 

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

 

 

Quang Thắng