Tìm hiểu nội dung “Phân loại tội phạm”tại điều 9 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017)

12969
3/5

Quy định phân loại tội phạm vừa là biểu hiện cơ bản của nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự vừa là cơ sở cho sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong BLHS.

 

Ảnh minh họa.

 

Sự phân loại tội phạm là cơ sở thống nhất cho việc xây dựng trong luật hình sự và trong luật tố tụng hình sự…các quy định thể hiện sự phân hóa trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm khác nhau như quy định các nguyên tắc xử lý (Điều 3 BLHS năm 2015); quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 BLHS năm 2015); quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27,28 BLHS năm 2015); quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm (Điều 53 BLHS năm 2015); …So sánh quy định phân loại tội phạm trong BLHS năm 1999 và trong BLHS năm 2015 cho thấy có điểm giống nhau là: cả hai Bộ luật đều phân loại tội phạm thành bốn loại là: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và mức cao nhất của chế tài quy định đối với từng loại tội  đều là đến 03 năm tù, đến 07 năm tù, đến 15 năm tù và trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng có một số điểm khác là: Thứ nhất, BLHS năm 2015 đã tách quy định phân loại tội phạm ra khỏi điều luật định nghĩa khái niệm tội phạm (khoản 2, 3 Điều 8 BLHS năm 1999) và quy định tại một điều luật riêng (Điều 9 BLHS năm 2015); Thứ hai, đặc điểm về nội dung chính trị xã hội (tính nguy hiểm cho xã hội) và đặc điểm về hậu quả pháp lý của các loại tội được quy định đầy đủ và rõ rang hơn. Cụ thể:

Về đặc điểm nội dung chính trị xã hội (tính nguy hiểm cho xã hội) của từng loại tội, nếu như BLHS năm 1999 quy định đặc điểm “gây nguy hại không lớn cho xã hội”; “gây nguy hại lớn cho xã hội”; gây nguy hại rất lớn cho xã hội”; gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội”;  tương ứng với mỗi loại tội và quy định này dễ gây hiểu lầm là “gây thiệt hại không lớn…”; “gây thiệt hại lớn…”; “gây thiệt hại rất lớn…”; “gây thiệt hại đặc biệt lớn…”. Thì BLHS năm 2015 sửa lại là “có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn”; “có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn”; “có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn”; “có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn”; tương ứng với mỗi loại tội. Quy định mới này của BLHS năm 2015 vừa rõ ràng, chính xác vừa phản ánh đầy đủ đặc điểm về nội dung chính trị xã hội (tính nguy hiểm cho xã hội) của từng loại tội phạm.

Về đặc điểm hậu quả pháp lý (tính phảichịu trách nhiệm hình sự – hình phạt) của từng loại tội, nếu BLHS năm 1999 quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với từng loại tội là: “…đến ba năm tù”; “đến bảy năm tù”; “đến 15 năm tù”; “trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Thì BLHS năm 2015 quy định mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với từng loại tội là: “phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”; “từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù”; “từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù”; “từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Việc bổ sung hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ vào tội phạm ít nghiêm trọng làm cho quy định của luật đầy đủ và chính xác hơn, tránh việc băn khoăn không biết tội có mức cao của khụng hình phạt do BLHS quy định là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ thuộc loại tội nào cũng như tội có mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định là đến 04 năm tù, 05 năm tù, 06 năm tù, đến 08 năm tù, 09 năm tù, 12 năm tù, 14 năm tù thuộc loại tội nào như thực tiễn đã từng xảy ra.

Theo quy định của Điều 9 BLHS năm 2015, tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được phân biệt với nhau qua hai đặc điểm là: tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tội phạm và đặc điểm hậu quả pháp lý của hành vi tội phạm. Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội là không lớn ở tội ít nghiêm trọng; là lớn ở tội nghiêm trọng; là rất lớn ở tội rất nghiêm trọng; là đặc biệt lớn ở tội đặc biệt nghiêm trọng. Và về đặc điểm hậu quả pháp lý mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật quy định là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm đối với tội ít nghiêm trọng; là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù đối với tội nghiêm trọng; là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù đối với tội rất nghiêm trọng; là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong hai đặc điểm của từng loại tội được quy định và phân biệt với nhau, đặc điểm tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội quyết định đặc điểm hậu quả pháp lý. Việc đánh giá hành vi nào là có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, lớn, rất lớn hay đặc biệt lớn cho xã hội và xác định hậu quả pháp lý đối với từng loại tội trong luật là do các nhà làm luật. Trách nhiệm của các nhà làm luật là đảm bảo sự tương xứng giữa tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi tội phạm và hậu quả pháp lý đối với hành vi tội phạm đó và quy định chúng trong luật. Khi đã được xác định và quy định trong luật, khung hình phạt (mức cao nhất của khung hình phạt) cũng là đặc điểm để phân biệt (nhận biết) các loại tội phạm, đặc biệt là đối với những người áp dụng luật.

Phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện từ quy định tại khoản 2 Điều 9 BLHS cho thấy việc phân loại tội phạm và xác định loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện cũng theo những căn cứ phân loại và xác định tội phạm do cá nhân thực hiện và những quy định tương ứng đối với các tội phạm được giới hạn tại Điều 76 BLHS.

Điều 9. Phân loại tội phạm

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểmcho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Tiêu Dao