Tìm hiểu nội dung về “Hình phạt chính áp dụng đối với cá nhân phạm tội: Phạt tiền” tại Điều 35 BLHS năm 2015

4564
Đánh giá bài viết

Phạt tiền là hình phạt do Tòa án tuyên buộc người phạm tội phải nộp tiền nhất định sung công quỹ Nhà nước.

Ảnh minh họa.

Trong hệ thống hình phạt của BLHS, phạt tiền là loại hình phạt có thể được áp dụng là hình phạt chính, nhưng cũng có thể được áp dụng là hình phạt bổ sung khi không áp dụng là hình phạt chính và chỉ trong trường hợp điều luật có quy định thì phạt tiền mới được áp dụng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 BLHS năm 2015, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính:

– Đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, tức là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt so BLHS quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; đối với người phạm tội nghiêm trọng, tức là phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù…

– Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội rất nghiêm trọng trong các tội phạm về môi trường quy định tại Chương XIX BLHS năm 2015, đó là các tội: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236); Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239).

Khoản 2 Điều 35 BLHS năm 2015 quy định hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung (khi không áp dụng là hình phạt chính) đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định như Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354)…Đối với những tội phạm này nếu chỉ quy định hình phạt tiền thì chưa đủ bảo đảm được mục đích trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội, cho nên trong những trường hợp cụ thể, hình phạt tiền được Tòa án áp dụng là hình phạt bổ sung có tác dụng hỗ trợ cho hình phạt chính nhằm đạt được mục đích tối đa của hình phạt.

Khi quyết định hình phạt tiền đối với người phạm tội ngoài việc tuân thủ nghiêm chỉnh quy định tại Điều 50 BLHS năm 2015 còn phải căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 35 BLHS năm 2015, đó là mức phạt tiền được quyết định theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả. Bên cạnh đó, điều luật còn quy định mức phạt tiền tối thiểu là 1 triệu động. Quy định này là cần thiết, thể hiện tính nghiêm khắc của chế tài hình sự so với các chế tài khác như chế tài hành chính, chế tài kinh tế…

Đối với pháp nhân thương mại thì phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

Điều 35. Phạt tiền

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;

b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.

4. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này.

 

Quang Thắng