Tìm hiểu nội dung về “ Hồ sơ vụ án” Điều 131 BLTTHS năm 2015

6596
Đánh giá bài viết

Hồ sơ vụ án hình sự là tập hợp các văn bản (tài liệu) do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập theo quy định của pháp luật trong quá trình (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), được sắp xếp theo một trình tự nhất định nhằm đảm bảo cho việc giải quyết đúng đắn vụ án và lưu giữ lâu dài.

Ảnh minh họa.

– Trách nhiệm lập hồ sơ vụ án trong giai đoạn khởi tố, điều tra thuộc về cơ quan có thẩm quyền điều tra.

– Hồ sơ vụ án thường bao gồm các tài liệu do cơ quan có thẩm quyền khởi tố, điều ta lập, thu thập bao gồm: các tài liệu về khởi tố vụ án, khởi tố bị can như các tài liệu chứa đựng các nguồn tin về tội phạm (tố giác, tin báo của cá nhân, tin báo của cơ quan, tổ chức về tội phạm, kiến nghị khởi tố…); các tài liệu xác minh của cơ quan có thẩm quyền khởi tố về các nguồn tin về tội phạm; các quyết định tố tụng như quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can…; các văn bản về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn như lệnh bắt người, lệnh tạm giữ, tạm giam, quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh…, quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn…; các tài liệu phản ánh quyết định áp dụng và kết quả các hoạt động điều tra nhằm phát hiện, thu thập chứng cứ như lệnh khám xét, khám nghiệm, thực nghiệm điều tra, kết luận giám định…; các tài liệu ghi lời khai của người tham gia tố tụng như biên bản đối chất, lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ, người làm chứng, bị hại…; các tài liệu phản ánh nhân thân bị hại…; các tài liệu về tạm đình chỉ điều tra và kết thúc điều tra như quyết định trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần, kết luận giám định, quyết định  tạm đình chỉ quyết định đình chỉ điều tra, kết luận điều tra đề nghị truy tố…

– Trong giai đoạn truy tố, hồ sơ còn có thể được bổ sung các tài liệu về truy tố bao gồm các tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp theo yêu cầu của Viện kiểm sát ; tài liệu Viện kiểm sát bổ sung trong giai đoạn truy tố như biên bản hoạt động điều tra nhằm kiểm tra bổ sung chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung chứng cứ mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung như biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, biên bản đối chất, bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố, các văn bản về áp dụng, thay đổi hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế…; Trong giai đoạn xét xử hồ sơ còn được bổ sung thêm các tài liệu sau khi Tòa án nhận hồ sơ vụ án như các tài liệu, chứng cứ mới thu thập được, các quyết định của Chánh án, Phó chánh án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, bản án, quyết định của tòa án khi xét xử…

– Các tài liệu trong hồ sơ vụ án được sắp xếp theo trình tự thời gian và đánh số bút lục từ tài liệu đầu tiên cho đến tài liệu cuối cùng để dễ theo dõi diễn biến quá trình giải quyết vụ án cũng như tiện cho việc nghiên cứu, tra cứu, trích lục, sử dụng khi tiến hành tố tụng. Cơ quan nào lập hồ sơ vụ án, cơ quan đó có trách nhiệm đánh số bút lục. Kết thúc giai đoạn tố tụng nào cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong giai đoạn đó phải lập bản kê tài liệu, thống kê tên tài liệu, số bút lục có trong hồ sơ, đặc điểm của tài liệu (nếu có). Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục đánh số bút lục với những tài liệu mới mà cơ quan này đưa vào hồ sơ tiếp theo số thứ tự bút mà cơ quan trước đã đánh. Hồ sơ vụ án tại cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm áp dụng các biện pháp phù hợp để quản lý, lưu giữ và sử dụng theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, hồ sơ vụ án phải được quản lý tại cơ quan điều tra tố tụng, người tiến hành tố tụng không được tự ý mang hồ sơ ra khỏi cơ quan, trừ trường hợp phải chuyển hồ sơ giữa các cơ quan có thẩm quyền tố tụng hoặc khi tòa án quyết định xét xử lưu động đối với vụ án.

Điều 131. Hồ sơ vụ án

1. Khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án.

2. Hồ sơ vụ án gồm:

a) Lệnh, quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;

b) Các biên bản tố tụng do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập;

c) Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.

3. Các chứng cứ, tài liệu do Viện kiểm sát, Tòa án thu thập trong giai đoạn truy tố, xét xử phải đưa vào hồ sơ vụ án.

4. Hồ sơ vụ án phải có thống kê tài liệu kèm theo. Thống kê tài liệu ghi rõ tên tài liệu, số bút lục và đặc điểm của tài liệu (nếu có). Trường hợp có bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án thì phải có thống kê tài liệu bổ sung. Hồ sơ vụ án phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật.

 

Thanh Đạt