Tìm hiểu nội dung về “Người được bảo vệ”

72
Đánh giá bài viết

“Người được bảo vệ” được quy định tại Điều 484 BLTTHS năm 2015.

 

Ảnh minh họa.

 

– Người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại, người thân thích của họ có thể là đối tượng bị người bị buộc tội, người thân thích của những người này trả thù hoặc đe dọa trả thù, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…vì họ là người đã cung cấp thông tin về hành vi của người bị buộc tội giúp cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xác định tội phạm và người phạm tội. Vì vậy, họ là các đối tượng có nhu cầu được bảo vệ và cần sự bảo vệ từ các Cơ quan điều tra. Quy định của Bộ luật tố tụng về việc bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người thân thích của họ giúp họ yên tâm trong quá trình tham gia tố tụng, bảo đảm cho những người được bảo vệ thực hiện đúng đắn, đầy đủ, khách quan các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình, ngăn ngừa những hành vi xâm hại có thể đến từ người bị buộc tội, người thân thích của họ. Điều luật quy định diện những người cần được bảo vệ như trên là xuất phát từ thực tiễn tố tụng và là việc rất cần thiết và nhân văn.

– Điều luật quy định người được bảo vệ có quyền: đề nghị được cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ; được các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ; được biết về việc áp dụng biện pháp bảo vệ mà các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng; được đề nghị cơ quan có thẩm quyền thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ; được bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian bảo vệ.

– Người được bảo vệ có nghĩa vụ: chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của cơ quan bảo vệ liên quan đến việc bảo vệ trong cuộc sống, sinh hoạt, đi lại, làm việc; giữ bí mật thông tin về các biện pháp đã được cơ quan có thẩm quyền áp dụng để bảo vệ; trong thời gian được bảo vệ nếu phát hiện những vấn đề nghi vấn có liên quan đến người có hành vi gây thiệt hại, đe dọa gây thiệt hại cho mình hoặc thân nhân hoặc nghi vấn liên quan đến các biện pháp đang áp dụng để bảo vệ, người thực hiện biện pháp bảo vệ thì phải thông báo kịp thời đến cơ quan có trách nhiệm bảo vệ xem xét, giải quyết.

 

Điu 484. Người được bo vệ

1. Những người được bảo vệ gồm:

a) Người tố giác tội phạm;

b) Người làm chứng;

c) Bị hại;

d) Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại.

2. Người được bảo vệ có quyền:

a) Đề nghị được bảo vệ;

b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ;

c) Được biết về việc áp dụng biện pháp bảo vệ; đề nghị thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ;

d) Được bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian bảo vệ.

3. Người được bảo vệ có nghĩa vụ:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của cơ quan bảo vệ liên quan đến việc bảo vệ;

b) Giữ bí mật thông tin bảo vệ;

c) Thông báo kịp thời đến cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về những vấn đề nghi vấn trong thời gian được bảo vệ.

 

Quang Thắng