Tìm hiểu nội dung về “Người tham gia tố tụng” tại Điều 55 BLTTHS năm 2015

12005
Đánh giá bài viết

Người tham gia tố tụng là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS. Đây là những người liên quan tới hành vi phạm tội, có quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án hoặc sự tham gia của họ là cần thiết để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

 

Ảnh minh họa.

 

Điều 55 BLTTHS quy định về diện (các loại) người tham gia tố tụng. Đây là điểm mới của BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 chỉ quy định về địa vị pháp lý của từng chủ thể được xác định là người tham gia tố tụng mà không có điều luật quy định diện những người tham gia tố tụng, điều này góp phần tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và trong thực tiễn áp dụng quy định về người tham gia tố tụng, tránh trường hợp những người có tham gia vào quá trình giải quyết vụ án nhưng không được xác định là người tham gia tố tụng  cụ thể.

Theo quy định của điều luật này, có 20 loại người tham gia tố tụng hình sự bao gồm: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung 07 chủ đề tham gia tố tụng mới so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, bao gồm: Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Bị hại; Người chứng kiến; Người định giá tài sản; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, 03 chủ thể gồm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Bị hại; Người phiên dịch, người dịch thuật, có sự bổ sung , thay đổi tên gọi quan trọng. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm tạo sơ sở pháp lý bảo vệ một cách toàn diện, đầy đủ hơn quyền và lợi ích của những người có liên quan đến việc giải quyết vụ án đồng thời dảm bảo phù hợp với các quy định mới của BLHS năm 2015 và các văn bản có liên quan.

 

Điều 55. Người tham gia tố tụng

1. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

3. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

4. Người bị bắt.

5. Người bị tạm giữ.

6. Bị can.

7. Bị cáo.

8. Bị hại.

9. Nguyên đơn dân sự.

10. Bị đơn dân sự.

11. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

12. Người làm chứng.

13. Người chứng kiến.

14. Người giám định.

15. Người định giá tài sản.

16. Người phiên dịch, người dịch thuật.

17. Người bào chữa.

18. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

19. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.

20. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.

 

Thanh Đạt