Tìm hiểu nội dung về “Nhận biết giọng nói” quy định tại Điều 191 BLTTHS năm 2015

2443
Đánh giá bài viết

Nhận biết giọng nói là việc tổ chức cho một người nghe để xác nhận một giọng nói hiện tại với một giọng nói mà họ đã biết trước đây trong mối quan hệ với sự kiện trong điều tra, nhằm xác định xem có phải là đồng nhất hay không.

Ảnh minh họa.

Đặc điểm của giọng nói không rõ ràng, đối tượng có thể thay đổi giọng nói và thời điểm diễn ra sự việc khả năng nhận biết bằng thị giác của người nhận dạng bị hạn chế (do trời tối, có vật ngăn cách với người thực hiện hành vi hoặc người nghe thấy tiếng nói bị mù lòa, bị bịt mắt không nhìn thấy…) không nhìn thấy người nói, chỉ nghe thấy âm thanh nên dễ quên, vì thế nhận dạng người qua giọng nói có thể được tiến hành độc lập nhưng thường được tiến hành để bổ sung cho nhận dạng người qua đặc điểm bề ngoài. Nếu cần tiến hành nhận dạng người qua theo cả hai trường hợp thì nhận biết giọng nói được tiến hành trước, sau đó mới nhận dạng người qua đặc điểm bề ngoài. Thực chất nhận biết giọng nói là quá trình người được yêu cầu nhận biết giọng nói hồi tưởng, tái hiện, nhớ lại giọng nói mà họ đã nghe thấy trước khi được nghe lại giọng nói đó.

Để đảm bảo sự chính xác của kết quả nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải đưa số giọng nói ra để nhận biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau. Ngoài giọng nói của đối tượng chính (đối tượng xác định có liên quan đến vụ án) còn phải đưa giọng nói của đối tượng tương tự để nhận biết. Đối tượng tương tự phải là đối tượng được xác định hoàn toàn không có liên quan đến vụ án.

Để việc tổ chức nhận biết giọng nói bảo đảm đúng thủ tục tố tụng, trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận biết giọng nói.

Theo quy định tại điều luật, những người phải tham gia việc nhận biết giọng nói bao gồm: Giám định viên về âm thanh; Người được yêu cầu nhận biết giọng nói; Người được đưa ra để nhận biết giọng nói, trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện ghi âm; Người chứng kiến. Nhằm đảm bảo cho kết quả nhận biết giọng nói được khách quan, chính xác, Điều tra viên phải mời ít nhất là hai người chứng kiến. Những người này là người có nhân thân tốt, không có liên quan đến vụ án, có khả năng nghe, quan sát, theo dõi và xác nhận việc nhận biết giọng nói.

Nếu người làm chứng hoặc bị hại được yêu cầu nhận biết giọng nói thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc giải thích này để người làm chứng, bị hại không thể vì những lý do cá nhân tình cảm hoặc sợ bị trả thì hoặc động cơ vụ lợi…mà trong quá trình nhận biết giọng nói đưa ra những thông tin sai, cố tình không nhận ra hoặc nhận sai giọng nói. Điều tra viên giải thích rõ nếu người làm chứng cố tình khai báo gian dối, từ chối không nhận biết giọng nói mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khai báo gian dối, tội từ chối khai báo quy định tại Điều 382 và 383 Bộ luật Hình sự.

Việc giải thích về quyền và nghĩa vụ của người tham gia nhận biết giọng nói và trách nhiệm của người làm chứng, bị hại phải được ghi vào biên bản.

Nhận biết giọng nói được thực hiện bằng cách bố tí cho người được yêu cầu nhận biết giọng nói nghe rõ không chỉ tiếng nói của đối tượng cần nhận biết giọng nói mà nghe rõ cả tiếng nói của những người khác (kể cả tiếng nói qua băng ghi âm) nhưng không để cho họ nhìn thấy nhai để người được yêu cầu nhận biết giọng nói nghe giọng nói một cách thoải mái, tự nhiên còn đối tượng cần nhận biết giọng nói thì không thay đổi giọng nói. Điều tra viên có thể nói chuyện, hỏi đối tượng cần nhận biết giọng nói và tạo điều kiện cho họ trả lời được tự nhiên bằng đúng tiếng nói của họ để người được yêu cầu nhận biết giọng nói có thể nhận ra được giọng nói của họ. Sau khi nghe các đối tượng lần lượt trả lời từng câu hỏi, người được yêu cầu nhận biết giọng nói phải trả lời về kết quả nghe đã nhận biết được giọng nói của người nào là giọng nói mà họ đã nghe thấy trong mối liên hệ với vụ án đang điều tra. Trong quá trình tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý cho người được yêu cầu nhận biết giọng nói.

Quá trình nhận biết giọng nói phải tuân thủ trình tự, thủ tục tố tụng do luật định, trước khi cho nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải hỏi người được yêu cầu nhận biết giọng nói về điều kiện và hoàn cảnh mà người này nghe được giọng nói như khoảng cách nghe được giọng nói, các vật cản, che khuất không nhìn thấy người phát ra giọng nói như thế nào; những đặc điểm mà nhờ đó học có thể nhận biết được giọng nói. Cần chú ý đặc điểm có tính riêng biệt trong giọng nói của đối tượng cần nhận biết giọng nói. Những đặc điểm này có giá trị cao khi đánh giá kết quả nhận dạng.

Sau khi người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là đã căn cứ vào các đặc điểm gì mà xác nhận được giọng nói đó. Điều tra viên đối chiếu với những đặc điểm mà người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã khai báo trước khi nhận biết giọng nói để đánh giá tính chính xác của kết quả nhận biết giọng nói.

Biên bản nhận biết giọng nói được lập theo quy định tại Điều 178 BLTTHS năm 2015. Trong biên bản ngoài việc ghi theo quy định chung còn phải ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói; đặc điểm của giọng nói được đưa ra để nhận biết, lời trình bày của người nhận biết giọng nói. Biên bản cần ghi rõ điều kiện về không gian khi thực hiện nhận biết giọng nói.

Điều 191. Nhận biết giọng nói

1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói.

Số giọng nói được đưa ra để nhận biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau.

Trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận biết giọng nói.

2. Những người sau đây phải tham gia việc nhận biết giọng nói:

a) Giám định viên về âm thanh;

b) Người được yêu cầu nhận biết giọng nói;

c) Người được đưa ra để nhận biết giọng nói, trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện ghi âm;

d) Người chứng kiến.

3. Nếu người làm chứng, bị hại được yêu cầu nhận biết giọng nói thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

4. Điều tra viên phải hỏi trước người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận biết được giọng nói.

Trong quá trình tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác nhận giọng nói đó.

5. Biên bản nhận biết giọng nói được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói; đặc điểm của giọng nói được đưa ra để nhận biết, lời trình bày của người nhận biết giọng nói; điều kiện về không gian khi thực hiện nhận biết giọng nói.

Thanh Đạt