Tìm hiểu nội dung về “Phối hợp điều tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.” Điều 508 BLTTHS năm 2015.

390
Đánh giá bài viết

Phối hợp điều tra là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cùng tiến hành điều tra một vụ án cụ thể thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm Việt Nam.

 

Ảnh minh họa.

 

Theo Điều 50 Công ước phòng chống tham nhũng của Liên hợp quốc về “kỹ thuật điều tra đặc biệt” thì mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết trong phạm vi có thể nhằm cho phép các cơ quan chức năng sử dụng hình thức vận chuyển có kiểm soát và khi thích hợp sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt, chẳng hạn như giám sát điện tử hoặc các hình thức giám sát khác, hoạt động chìm, trong lãnh thổ nước mình để đảm bảo chứng cứ thu được từ việc áp dụng các kỹ thuật này được chấp nhận tại tòa án.

Theo quy định tại Công ước quốc tế ngày 15/11/2000 của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước quốc tế ngày 31/10/2003 của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng, thì các quốc gia thành viên các Công ước nêu trên có thể:

– Ký kết các hiệp định hay thỏa thuận song phương hoặc đa phương để qua đó, đối với những vấn đề là đối tượng của quá trình điều tra, truy tố, hoặc xét xử ở một hay nhiều quốc gia thành viên, các cơ quan chức năng hữu quan có thể thành lập các Cơ quan điều tra chung (hỗn hợp). Trong trường hợp không có các hiệp định hoặc thỏa thuận đó, việc điều tra chung có thể được tiến hành theo thỏa thuận về từng vụ việc một. Các quốc gia thành viên liên quan phải đảm bảo rằng chủ quyền của quốc gia thành viên nơi đang tiến hành vụ việc điều tra như vậy phải được tôn trọng đầy đủ.

– Ký kết, khi cần thiết, các hiệp định hoặc thỏa thuận song phương hoặc đa phương phù hợp để sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt trên khi hợp tác ở cấp độ quốc tế. Các hiệp định thỏa thuận này phải được ký kết và thực hiện trên cơ sở tuân thủ đầy đủ nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia và các điều khoản của những hiệp định hoặc thỏa thuận này phải được tuyệt đối tuân thủ. Trong trường hợp không có một hiệp định hoặc thỏa thuận, thì việc sử dụng những kỹ thuật điều tra đặc biệt trên ở cấp độ quốc tế sẽ được quyết định trên cơ sở từng vụ việc một và khi cần thiết có thể tính đến các thỏa thuận và bản ghi nhớ về tài chính đối với việc thực hiện quyền tài phán của những quốc gia thành viên liên quan.

Điều luật quy định việc phối hợp điều tra và áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt xuất phát từ cam kết của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi tham gia hai Công ước quốc tế nêu trên. Theo đó:

– Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Việc hợp tác phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận trong từng vụ việc cụ thể giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan.

– Các hoạt động phối hợp điều tra thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

Các biện pháp tố tụng đặc biệt theo quy định tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Thẩm quyền và trình tự và thời hạn áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt được quy định tại các điều từ Điều 224 đến Điều 228 Bộ luật tố Tụng hình sự.

 

Điều 508. Phối hợp điều tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Việc hợp tác phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận trong từng vụ việc cụ thể giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan.

2. Các hoạt động phối hợp điều tra thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

 

 

Thanh Đạt