Tìm hiểu nội dung về “Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên”

7096
Đánh giá bài viết

Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên quy định tại Điều 26 BLHS năm 2015.

Ảnh minh họa.

Một là, việc chấp hành mệnh lệnh mà gây ra thiệt hại cho xã hội chỉ được áp dụng trong lực lượng vũ trang nhân dân. Còn việc thực hiện mệnh lệnh hành chính trong các lĩnh vực khác mà gây thiệt hại thì không được loại trừ TNHS.

Lực lượng vũ trang là lực lượng chiến đấu của Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Ở Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân và Dân quân tự vệ (Điều 12 Luật Quốc phòng năm 2005). Trong đó, lực lượng Quân đội đặt dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng và chịu sự điều động của Bộ Tổng tham mưu. Lực lượng Công an bao gồm An ninh và Cảnh sát, chịu sự quản lý của Bộ Công an. Riêng lực lượng Dân quân – Tự vệ và lực lượng có sự quản lý hỗn hợp của Bộ Quốc phòng và cơ quan hành chính địa phương.

Hai là, người chấp hành mệnh lệnh khi thấy có vấn đề không bình thường phải báo cáo đầy đủ với người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành.

Đây là trường hợp sau khi nhận mệnh lệnh, người phải chấp hành lệnh đã báo cáo lại việc chấp hành mệnh lệnh có những khó khăn và có thể gây ra thiệt hại cho xã hội với người ra mệnh lệnh, nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó.

Ví dụ lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát về ma túy khi thực hiện mệnh lệnh bao vây khu nhà ở có các đối tượng phạm tội đang lẩn trốn và chống cự bắn trả lực lượng Công an. Ông A là người chỉ huy cuộc vây bắt đã ra lệnh nổ súng. B là cán bộ công an thi hành mệnh lệnh đã phát hiện trong nhà đó, ngoài đối tượng phạm tội còn có khả năng có những người khác và đã báo cáo lại cấp trên là ông A, nhưng ông A vẫn ra lệnh nổ súng thì B phải chấp hành mệnh lệnh.

Ba là, người thi hành mệnh lệnh đã thực hiện mệnh lệnh nên gây thiệt hại cho xã hội. Hậu quả thiệt hại cho xã hội có thể là thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng con người.

Theo ví dụ nêu trên B đã nổ súng, đối tượng phạm tội bị tiêu diệt nhưng kéo theo đối tượng chủ nhà là anh C cũng bị chết. Người này không liên quan gì đến việc phạm tội. B không phải chịu trách nhiệm về cái chết của C.

Ông A phải chịu trách nhiệm về cái chết của C.

Việc BLHS quy định người chấp hành mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang không phải chịu TNHS, xuất phát  từ đặc thù của lực lượng vũ trang khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc cũng như đảm bảo trật tự an toàn xã hội phải luôn chấp hành mệnh lệnh một cách khẩn trương, nhanh chóng và chính xác. Điều 2 trong mười lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam mà bất kỳ quân nhân nào cũng phải thuộc, đó là: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Như vậy, trong Quân đội cấp dưới phục tùng mệnh lệnh cấp trên một cách tuyệt đối, cho nên người thi hành mệnh lệnh không có lỗi đối với việc gây hại cho xã hội. Hơn nữa, theo Điều 26 BLHS năm 2015 yêu cầu người thi hành mệnh lệnh đã báo cáo đầy đủ với cấp trên ra lệnh khả năng những hậu quả thiệt hại có thể xảy ra mà người ra lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó thì trách nhiệm thuộc về người ra lệnh là hoàn toàn đúng đắn.

Quan hệ mệnh lệnh hành chính trong các cơ quan tổ chức dân sự khác với các quan hệ mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang, bởi người chấp hành mệnh lệnh trong cơ quan hành chính, dân sự hoàn toàn có khả năng cân nhắc suy xét về nội dung mệnh lệnh, về tính trái pháp luật của mệnh lệnh và điều kiện thi hành mệnh lệnh…Con người trong những trường hợp này vẫn có tính chủ động nhất định mà không chỉ đơn thuần chấp hành một cách máy móc thụ động. Việc gây hại cho xã hội vẫn có yếu tố lý trí và ý chí – yếu tố lỗi của người thi hành mệnh lệnh. Vì vậy, việc gây thiệt hại không được coi là các trường hợp loại trừ TNHS. Trong trường hợp cụ thể nhất định có thể chỉ xem xét việc chấp hành mệnh lệnh là tình tiết giảm nhẹ TNHS.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 26 BLHS năm 2015 do tính chất đặc biệt của một số loại tội phạm mà người thi hành mệnh lệnh phải chịu TNHS trong mọi trường hợp. Đó là Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tại khoản 2 quy định: Phạm tội do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Hoặc Điều 422 quy định tội chống loài người; hoặc Điều 423. Tội phạm chiến tranh tại khoản 2 các Điều luật cũng nêu tương tự: Phạm tội do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.

 

Quang Thắng