Tìm hiểu nội dung về “Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”

2341
Đánh giá bài viết

 Điều 146 Bộ luật Tố Tụng Hình sự năm 2015 quy định cụ thể về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố.

Ảnh minh họa.

Theo đó, nếu tiếp nhận trực tiếp, phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận, trong một số trường hợp có thể ghi âm, ghi hình việc tiếp nhận; nếu tiếp nhận gián tiếp qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02 tháng 8 năm 2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (năm 2003) về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định rõ về việc tổ chức tiếp nhận như sau: “Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực ban hình sự để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phân loại và chuyển ngay cho các đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết. Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân, Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phân công cán bộ để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố. Các cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm tiếp nhận mọi tố giác về tội phạm”.

+ Việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố phải trên cơ sở nguyên tắc chỉ những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố mới được tiến hành giải ố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố, bảo đảm cho việc xử lý nhanh chóng, hiệu quả những trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm, thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường, bảo vệ những người liên quan đến sự việc. Do đó, trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trong quá trình Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố mà phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục thì Viện kiểm sát sẽ trực tiếp giải quyết. Do vậy, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong thời hạn 5 ngày phải chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết hay nói cách khác là chuyển toàn bộ vụ việc cho Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết.

+ Sau khi tiếp nhận, cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ, cụ thể:

– Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình phải tiến hành kiểm tra, xác minh. Những tố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì ngay sau khi tiếp nhận phải chuyển tố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố đó kèm theo các tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

– Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc tự phát hiện dấu hiệu của tội phạm thuộc quyền hạn điều tra của cơ quan mình thì thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, Cơ quan điều tra có thẩm quyền và tiến hành kiểm tra, xác minh. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì phải chuyển ngay cho các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

– Viện kiểm sát sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và  kiến nghị khởi tố phải chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết kèm theo các tài liệu có liên quan.

– Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an; Tòa án; Cơ quan báo chí; Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác về tội phạm có trách nhiệm báo ngay tin đã nhận được cho Cơ quan điều tra bằng văn bản. Trường hợp khẩn cấp có thể báo tin trực tiếp hoặc qua điện thoại và các hình thức liên lạc khác nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.

+ Điều 146 quy định cụ thể về thẩm quyền của Công an phường, thị trấn, đồn Công an trong việc tiếp nhận, giải quyết, tin báo: các cơ quan này có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đây là một quy định mới của BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 về vai trò, trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an là những cơ quan trên thực tế tiếp nhận một số lượng rất lớn tố giác, tin báo về tội phạm nhưng cũng tồn tại rất nhiều vấn đề trong việc nhận – chuyển – giữ loại nguồn tin về tội phạm, gây khó khăn cho việc xử lý đúng thẩm quyền, đúng thời hạn, đúng biện pháp theo quy định của pháp luật, thậm chí dẫn tới các trường hợp bỏ lọt tội phạm.

+ Các cơ quan, tổ chức khác sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức mình phải chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời, nếu xét thấy không khó khăn cho cá nhân, cơ quan, tổ chức báo tin hoặc không làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra, xác minh, ngăn chặn ngay tội phạm thì hướng dẫn họ đến đúng cơ quan có thẩm quyền để tố giác, báo tin về tội phạm. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.

+ Để Viện kiểm sát có cơ sở kiểm sát việc tiếp nhận, điều luật quy định trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Điều 146. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật này phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.

Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.

2. Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đó phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.

3. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

4. Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.

5. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Thanh Đạt