Tìm hiểu nội dung về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

2198
Đánh giá bài viết

“Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” là hành vi làm ra, cất giữ, chuyển dịch từ nơi này sang nơi khác, bán hay mua để bán lại không có hoặc không đúng giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự do người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định thực hiện một cách cố ý xâm phạm an toàn cho môi trường sống của nhân dân.

 

Ảnh minh họa.

 

Tội phạm này xâm phạm an toàn xã hội bằng việc vi phạm quy định của Nhà nước về sản xuất, quản lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Đối tượng tác động của tội phạm này là vũ kí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ. Các loại vũ khí này phải thuộc danh mục các loại vũ khí do Chính phủ quy định. Nếu các loại vũ khí không thuộc danh mục vũ khí quân dụng do Chính phủ quy định nhưng có tính năng tương tự vũ khí quân dụng thì không truy cứu TNHS về tội này mà truy cứu TNHS về tội quy định tại Điều 306 BLHS năm 2015. Bao gồm:

– Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chóng tăng, súng phóng lựu;

– Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

– Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

– Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí nêu trên.

Phương tiện kỹ thuật quân sự bao gồm: các loại máy móc, thiết bị thông tin, liên lạc; các hệ thống ra-đa; các loại xe cơ giới; các loại tàu chiến; các loại khí tài…dùng cho mục đích quốc phòng – an ninh.

Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi theo luật định. Theo quy định tại Điều 12, người từ 14 đến16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội phạm này khi có các tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 304 BLHS năm 2015.

Tội phạm thể hiện ở các loại hành vi phạm tội phạm sau: Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

– Hành vi chế tạo trái phép vũ khí quân dụng,  phương tiện kỹ thuật quân sự: là hành vi làm ra hoặc sửa chữa, lắp ráp vũ khí quân dụng,  phương tiện kỹ thuật quân sự không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

– Hành vi tàng trữ trái phép: là cất giấu, lưu trữ vũ khí quân dụng,  phương tiện kỹ thuật quân sự ở một địa điểm, một vị trí như ở nhà; phòng làm việc; trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách…không được phép của cơ quan có thẩm quyền mà không nhằm mục đích mua bán hay chế tạo trái phép vũ khí quân dụng,  phương tiện kỹ thuật quân sự khác hoặc vận chuyển từ nơi này đến nơi khác. Thời gian cất giữ dài hay ngắn không có ý nghĩa đối với việc định tội.

– Hành vi vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ địa điểm này đến các địa điểm khác khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền và không nhằm mục đích mua bán, đối với các đối tượng đó.

– Hành vi sử dụng trái phép  vũ khí quân dụng,  phương tiện kỹ thuật quân sự là kích hoạt các tính năng của vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền. 

– Hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự: dùng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là đối tượng mua bán, trao đổi bằng tiền hoặc những lợi ích vật chất khác khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

– Hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm hữu tái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như trộm cắp, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, công nhiên chiếm đoạt, lừa đảo…

Vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là những đối tượng được Nhà nước quản lý đặc biệt và chặt chẽ. Các hành vi liên quan đến vũ khí quân dụng đều phải có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, mọi trường hợp chế tạo, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển hoặc mua bán những đối tượng này không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều bị coi là trái phép.

Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi trên.

Khi định tội danh:

+ Nếu một người thực hiện nhiều hành vi (chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán hoặc chiếm đoạt các đối tượng nêu trên) nhưng các hành vi có quan hệ biện chứng với nhau, hành vi này làm tiền đề cho hành vi kia, hành vi sau là hệ quả cho hành vi trước thì truy cứu TNHS về một tội, nhưng liệt kê đầy đủ các hành vi. 

+ Nếu các hành vi được thực hiện độc lập với nhau thì người phạm tội phải chịu TNHS về từng hành vi cấu thành từng tội độc lập theo nguyên tắc phạm nhiều tội (tội chế tạo vũ khí quân dụng, tội tàng trữ vũ khí quân dụng, tội mua bán vũ khí quân dụng…)

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý với động cơ mục đích khác nhau. Tội phạm này có 4 khung hình phạt:

– Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm khi thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

– Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Có tổ chức;

+ Vận chuyển, mua bán qua biên giới. Là việc vận chuyển vũ khí quân dụng từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc ngược lại.

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ  61% đến 121 %;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ  61% đến 121 %;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc giá trị lớn;

+ Tái phạm nguy hiểm.

– Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 đến 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

+ Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc giá trị rất lớn;

– Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Làm chết 03 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

+ Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc giá trị đặc biệt lớn;

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng  đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.

 

Quang Thắng