Tìm hiểu nội dung về “Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ” Điều 231BLHS năm 2015

625
Đánh giá bài viết

Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ được quy định trong Điều 169 BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 khi quy định về tội phạm này đã có sự sửa đổi, bổ sung nhất định làm cho quy định của điều luật được rõ ràng hơn, từ đó góp phần vào quá trình xử lí tội phạm này được nghiêm minh trên thực tế.

Ảnh minh họa.

+ Chủ thể của tội phạm: Đây là tội phạm đòi hỏi dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn trong việc phân phối tiền, hàng cứu trợ.

+ Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm chế độ quản lý nhà nước về tiền, hàng cứu trợ.

+ Mặt khách quan của tội phạm đòi hỏi 2 dấu hiệu:

– Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ. Ví dụ: Đáng lẽ phải phân phối tiền, hàng cứu trợ cho đồng bào vùng lũ lụt thì người phạm tội lại phân phối tiền, hàng cứu trợ cho người dân địa phương khác không bị lũ lụt.

Cơ sở pháp lí để xác định sự sai trái của hành vi phạm tội là các quy định của Nhà nước về phân phối tiền, hàng cứu trợ.

– Hành vi làm trái quy định của Nhà nước về phân phối tiền, hàng cứu trợ bị coi là tội phạm nếu gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng. Ví dụ: người phạm tội đã phân phối tiền, hàng cứu trợ cho một số hộ gia đình không thuộc diện phải cứu trợ dẫn đến thất thoát số tiền cứu trợ là 200.000.000 đồng không thể thu hồi được.

Như vậy, có thể thấy là dấu hiệu hậu quả của tội phạm “gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng” được quy định tại CTTP cơ bản đã thể hiện rõ tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ là tội phạm có CTTP vật chất.

So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 khi quy định về dấu hiệu định tội của tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ đã quy định rõ ràng hơn về dấu hiệu hậu quả. Cụ thể là BLHS năm 1999 quy định dấu hiệu hậu quả là “gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng lại không mô tả rõ hậu quả nghiêm trọng là gì, bất cập này đã ảnh hưởng nhất định đối với việc xử lí hình sự tội phạm này trên thực tế. Khắc phục hạn chế trên của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã mô tả rõ dấu hiệu hậu quả của tội phạm-đó là “gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng”.

+ Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

+ Hình phạt: Điều 231 BLHS quy định các khung hình phạt như sau:

Khung 1: người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Khung 2: người phạm tội có thể bị phạt phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:

  • Có tổ chức;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ 300.000.000 đồng trở lên;
  • Gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điểm mới của BLHS năm 2015 khi quy định về các tình tiết định khung tăng nặng là nhà làm luật đã mô tả rõ một số tình tiết định khung tăng nặng, đó là các tình tiết: “phạm tội 02 lần trở lên”; “gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ 300.000.000 đồng trở lên”. Bên cạnh đó, nhà làm luật bổ sung tình tiết định khung tăng nặng mới – tình tiết “gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc xác định thế nào là “gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong thực tế là vấn đề rất phức tạp và có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong áp dụng. Do vậy, với tình tiết được bổ sung này rất cần có văn bản giải thích làm rõ để việc áp dụng tình tiết này trên thực tế được đúng.

So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền. Cụ thể, BLHS năm 1999 không quy định phạt tiền đối với tội danh này (kể cả khung cơ bản và khung tăng nặng). Tuy nhiên, BLHS năm 2015 lại quy định phạt tiền áp dụng cho cả hai khung hình phạt này. Bên cạnh đó, đường lối xử lý đối với tội phạm này theo quy định của BLHS năm 2015 “có phần nhẹ hơn” so với quy định tương ứng của BLHS năm 1999. Cụ thể là BLHS năm 2015 đã bỏ phạt tù được quy định tại khung cơ bản (Khoản 1 Điều 231) và điều này có nghĩa là hình phạt nặng nhất được quy định tại Khoản 1 Điều 231 là cải tạo không giam giữ, trong khi đó, tại BLHS năm 1999, tù có thời hạn lại được quy định tại khung cơ bản với mức từ 3 tháng đến 2 năm (Khoản 1 Điều 169) và đây là hình phạt nặng nhất được quy định tại khung hình phạt này.

Điều 231. Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ gây thiệt hại hoặc thấtthoáttiền, hàng cứu trợ từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tiêu Dao