Tìm hiểu nội dung về “Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” quy định tại Điều 285 BLHS năm 2015

2218
Đánh giá bài viết

Đây là điều luật mới được quy định trong BLHS năm 2015 để xử lý hành vi sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Ảnh minh họa.
Điều 285. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật

1. Người nào sản xuất, mua bán, trao đổi,tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính,viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

+ Khách thể của tội phạm

Tội phạm trực tiếp  xâm hại đến trật tự an toàn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, xâm hại lợi ích của cá nhân, tổ chức, trật tự, an toàn xã hội.

Đối tượng của tội phạm là công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử. Đó là các công cụ, thiết  bị, phần mềm có thể được sử dụng để xâm nhập bất hợp pháp vào mạng máy tính, nghe lén thông tin, làm giả thông tin, cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử, chiếm đoạt tài sản qua mạng… Ví dụ: phần mềm độc hại (virút, phần mềm do thám, phần mềm quảng cáo…), các loại chíp điện tử để đọc dữ liệu thẻ, các thiết bị số để dùng thu, phát song, tín hiệu số hoặc phá song, các vi mạch, thiết bị ngoại vi, modul chương trình nhập số liệu,…Các đối tượng trên có thể là chuyên dùng hoặc có một phần chức năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử như máy vi tính vừa có chức năng hoạt động hợp pháp vừa có thể dùng làm công cụ để tấn công mạng. Tuy nhiên người phạm tội phải biết được tính năng tấn công đó của đối tượng mà mình sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho và nó được sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, làm phát sinh ra những đối tượng mà người phạm tội có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, tuy nhiên chưa có quy định điều chỉnh như việc giao bán các thông tin về những lỗi chưa được vá hoặc chưa được phát hiện trong các phần mềm, giúp tin tặc lợi dụng để tấn công phần mềm…

+ Chủ thể của tội phạm

Cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên, không thuộc trường hợp bị mất năng lực TNHS theo quy định của BLHS.

+ Mặt khách quan của tội phạm

– Hành vi khách quan của tội phạm: người phạm tội có các hành vi phạm tội như sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Hành vi khách quan có thể là từng hành vi riêng lẻ như sản xuất hoặc viết phần mềm hoặc mua bán hoặc trao đổi hoặc tặng cho đối tượng phạm tội, nhưng cũng có thể là một quá trình như sản xuất, sau đó bán hoặc tặng cho người khác.

Trong một số văn bản pháp luật quốc tế hoặc pháp luật hình sự một số nước, ngoài các hành vi trên tội phạm này còn có thểm các hành vi như chiếm hữu, sở hữu nhằm cho người khác sử dụng, đề nghị người khác sử dụng, nhập khẩu hoặc các hành vi phân phối khác…cũng bị coi là phạm tội.

– Mục đích sử dụng công cụ, thiết bị, phần mềm là mục đích trái pháp luật. Đối với các mục đích sử dụng các công cụ, thiết bị, phần mềm (mặc dù có tính năng tấn công mạng) hợp pháp như để nghiên cứu, học tập, thử nghiệm, bảo vệ hợp pháp máy tính hoặc phương tiện điện tử …không bị coi là tội phạm. “Mục đích trái pháp luật” có thể là để tội phạm như các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông hoặc các loại tội phạm khác; hoặc có thể là dùng để vi phạm pháp luật khác như vi phạm hành chính, dân sự. Như vậy, “mục đích trái pháp luật” có phạm vi rất rộng. Trong khi đó, một số văn bản quốc tế như Công ước Châu Âu về tội phạm mạng và BLHS của nhiều nước quy định, việc sử dụng công cụ, thiết bị, phần mềm để phạm các tội phạm mạng mới bị coi là tội phạm.

– Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội này.

+ Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể là lỗi cố ý. Chủ thể nhận thức được việc sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật là nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện vì vụ lợi.

+ Điều 285 quy định 3 khung hình phạt chính, bao gồm:

– Khung 1. Người phạm tội bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

– Khung 2. Người phạm tội bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm. Trong đó, một số dấu hiệu định khung được hiểu như sau:

+Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp có từ 02 lần trở lên phạm tội này, các lần phạm tội đều chưa bị xét xử.

+Có tính chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội đã có từ 05 lần phạm tội này trở lên, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hoặc chưa được xóa án tích; người phạm tội lấy việc phạm tội này là nghề sinh sống, lấy kết quả phạm tội là nguồn sống chính.

+Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích lại phạm tội thuộc khoản 1 của Điều này.

– Khung 3. Người phạm tội bị phạt từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với trường hợp thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Quang Thắng