Tìm hiểu nội dung về “Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp khiển trách”

189
Đánh giá bài viết

 Nội dung “Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp khiển trách” được quy định tại Điều 427 BLTTHS năm 2015.

 

Ảnh minh họa.

 

Khi xét thấy người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thì Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết.

Quyết định áp dụng biện pháp khiển trách phải nêu rõ lý do, căn cứ ra quyết định để có cơ sở kiểm tra, giám sát, kiểm sát tính có căn cứ của quyết định này, ấn định thời gian thực hiện nghĩa vụ của người bị khiển trách. Ngoài ra điều luật quy định quyết định này còn phải có các thông tin về người có thẩm quyền ban hành quyết định (số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định) và thông tin chính xác về đối tượng bị áp dụng (họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo; tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự đã áp dụng).

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao ngay quyết định áp dụng biện pháp khiển trách cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ; quyết định này có thể bị họ khiếu nại theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.

 

Điều 427. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khiển trách

1. Khi miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp khiển trách theo quy định của Bộ luật hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết.

2. Quyết định áp dụng biện pháp khiển trách có các nội dung chính:

a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;

b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người có thẩm quyền ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;

c) Lý do, căn cứ ra quyết định;

d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;

đ) Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự đã áp dụng;

e) Thời gian thực hiện nghĩa vụ của người bị khiển trách.

3. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao ngay quyết định áp dụng biện pháp khiển trách cho người bị khiển trách, cha mẹ hoặc người đại diện của họ.

 

Quang Thắng