Tìm hiểu quy định của “Tội nhận hối lộ” tại Điều 354 BLHS năm 2015.

12507
Đánh giá bài viết

Tội nhận hối lộ xâm hại quan hệ xã hội bảo đảm uy tín và tính vô tư, chính trực của hoặt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Đối tượng tác động của tội phạm chính là hoạt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

 

Ảnh minh họa.

 

Chủ thể của tội nhận hối lộ theo luật định chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, không phải người có chức vụ, quyền hạn nào cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Theo quy định được bổ sung tại Điều 354 khoản 6, chủ thể của tội nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đó là những người làm công tác quản lí từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất hoặc những người tuy không có chức vụ đó làm phát sinh quyền của họ đối với người khác.

Mặt khách quan của tội nhận hối lộ được đặc trưng bằng hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kì hình thức nào. Như vậy, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi nhận “của hối lộ” bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là sử dụng vụ, quyền hạn vào việc thực hiện tội phạm. Lợi dụng chức vụ tức là lợi dụng chức danh công tác, chức trách hoặc quyền hạn được giao. Lợi dụng quyền hạn là lợi dụng quyền năng cụ thể được giao do có chức vụ hoặc do một căn cứ khác. Chính nhờ chức vụ, quyền hạn chủ thể mới có khả năng giải quyết được việc người khác đang mong muốn và người có việc đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn cũng vì chủ thể có khả năng này. Như vậy, hành vi nhận hối lộ chỉ có thể được thực hiện trong mối quan hệ với chức vụ, quyền hạn của chủ thể. Chỉ thông qua thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chủ thể mới có thể nhận lợi ích vật chất để làm hoặc không làm việc mà người đưa hối lộ yêu cầu.

Theo quy định của Điều 354 BLHS năm 2015, hành vi khách quan của tội nhận hối lộ có thể được diễn giải bao gồm hai khả năng (hai dạng) hành vi được thực hiện: hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ để làm hay không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ; hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ sau khi (do đã) thực hiện việc làm hay không làm theo thỏa thuận với người đưa hối lộ. Như vậy, việc nhận của hối lộ có thể được thực hiện trước hoặc thực hiện sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Trong cả hai trường hợp nhận hối lộ đó, chủ thể đều phải thỏa thuận trước với người đưa hối lộ.Đối với trường hợp nhận của hối lộ sau, sự thỏa thuận trước còn bao gồm cả thỏa thuận về việc chủ thể sẽ được nhận của hối lộ sau  khi đã thỏa mãn theo yêu cầu của người đưa hối lộ, tuy nhiên không đòi hỏi phải thỏa thuận trước về lợi ích hoặc tính chất của loại lợi ích đó. Thỏa thuận có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói (thỏa thuận miệng), bằng văn bản, bằng cách đưa ra các ám hiệu, kí hiệu các bên cùng hiểu hoặc những thỏa thuận ngầm. Dù được thực hiện dưới hình thức nào những thỏa thuận đó đều phải thể hiện rõ việc đồng ý làm hay không làm mộ việc cụ thể theo yêu cầu của người đưa hối lộ từ phía người nhận hối lộ. Thỏa thuận trái pháp luật này thông thường là kết quả của bàn bạc, thống nhất giữa các bên nhưng trong một số trường hợp có thể hình thành không dựa trên cơ sở sự tự nguyện của hai bên mà do sự áp đặt ý chí của một bên, như trường hợp “đòi hối lộ, sách nhiễu…” quy định tại điểm g khoản 2.

Hành vi nhận hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian. Nhận hối lộ trực tiếp là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp nhận của hối lộ từ người đưa hối lộ không qua người khác, ví dụ như nhận tiền hối lộ từ tay người đưa hối lộ. Việc nhận của hối lộ trực tiếp có thể được thực hiện thông qua các loại hình dịch vụ, ví dụ như dịch vụ chuyển tiền, hàng hóa của ngân hàng hoặc bưu điện. Nhận hối lộ trực tiếp còn có thể là trường hợp tuy chưa nhận của hối lộ song người có chức vụ, quyền hạn đã trực tiếp  thỏa thuận với người đưa hối lộ thông qua gặp mặt hoặc trao đổi qua điện thoại, thư điện tử, v.v…Nhận hối lộ qua trung gian là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn gián tiếp nhận của hối lộ (từ người đưa hối lộ) thông qua người khác, ví dụ như qua người mô giới hối lộ. Đó cũng có thể là trường hợp người thỏa thuận việc hối lộ với người đưa và nhận của hối lộ qua người mô giới hối lộ.

Hành vi nhận của hối lộ có thể được thực hiện dưới bất kì hình thức nào. Điều đó có nghĩa là hành vi nhận của hối lộ không chỉ  là việc nhận tiền hay lợi ích vật chất một cách thuần túy theo kiểu trao tay. Các hình thức nhận hối lộ khác dù được che đậy dưới vỏ bọc hợp pháp như việc nhận các khoản thưởng hoặc tiền thù lao (thực chất không chính đáng), việc nhận lợi ích bất chính thông qua các hình thức hợp đồng (như hợp đồng vay tiền nhưng sau đó không hoàn trả, hợp đồng bán tài sản với giá cao hơn hoặc mua tài sản với giá thấp hơn so với giá trị thực tế của tài sản), hoặc qua các loại hình dịch vụ (không phải trả chi phí) v.v…đều bị coi là tội phạm.

Điều 354 BLHS năm 2015 quy định “của hối lộ” là bất kỳ lợi ích nào bao gồm tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và lợi ích phi vật chất. Dấu hiệu “của hối lộ” là dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội nhận hối lộ.

Các loại “của hối lộ” đó có thể tồn tại dưới bất kì hình thức nào, ví dụ như tiền, đồ vật có giá trị, xuất đi nghỉ dưỡng, vé đi du lịch, dịch vụ sửa chữa không phải trả chi phí v.v…Việc nhà làm luật xây dựng khái niệm “của hối lộ” bao gồm cả những dạng “lợi ích vật chất khác” cũng như việc những đối tượng này được đưa và nhận “dưới bất kì hình thức nào” đã cho thấy tính bao quát trong quy định của luật hình sự Việt Nam. Như vậy, của hối lộ được sử dụng để phạm tội trên thực tế dù được ngụy trang dưới bất kì hình thức nào cũng có cơ sở pháp lý để bị phát hiện và xử lý hình sự.

“Của hối lộ” còn có thể là các lợi ích phi vật chất, tức là những lợi ích tuy không có tính hữu hình và quy giá trị thành tiền những có khả năng đem lại sự hài lòng, sự thỏa mãn cho người nhận, do đó có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ của người có chức vụ, quyền hạn , ví dụ: việc khen ngợi trên phương tiện truyền thông, việc quan hệ tình dục, tặng huân, huy chương  cho người thân…Do đó hành vi trao và nhận những lợi ích này bị xem là phạm tội hối lộ.

Điều 354 quy định “của hối lộ” có thể đem lại lợi ích cho một người khác hoặc tổ chức khác mà không nhất thiết phải chính là người có chức vụ, quyền hạn. Bên thứ ba được thụ hưởng “của hối lộ” có thể là bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào. Thực tiễn cho thấy đó thường là người thân, người quen biết của người có chức vụ, quyền hạn yêu cầu “của hối lộ” được sử dụng vào những mục đích nhân đạo (như tặng, cho một sơ sở chăm sóc người tàn tật hoặc trẻ mồ côi không nơi nương tựa…) hành vi vẫn cấu thành tội nhận hối lộ nếu người đó chấp nhận đổi  lấy việc sử dụng chức vụ, quyền hạn để làm hay không làm theo yêu cầu của người đưa lợi ích.

Các hành vi phạm tội hối lộ đều tác động đến hoạt động thực thi công vụ của người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Luật hình sự Việt Nam không đòi hỏi việc làm hoặc không làm này phải là hành vi trái pháp luật. Tuy điều luật không quy định trực tiếp nhưng quan điểm được thừa nhận chung cũng như thực tiễn xét xử cho thấy hành vi của người có chức vu, quyền hạn nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc hợp pháp hoặc một việc đúng với chức năng, quyền hạn của người đó vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ vẫn bị coi là tội phạm.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận lợi ích vật chất trái pháp luật cấu thành tội nhận hối lộ khi giá trị “của hối lộ” từ hai triệu đồng trở lên. Ngoài ra, hành vi nêu trên có thể cấu thành tội phạm khi “của hối lộ” dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong hai trường hợp:

+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đối với trường hợp “của hối lộ” là lợi ích phi vật chất, hành vi luôn cấu thành tội phạm không tính đến giá trị của hối lộ.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội phạm này.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp và động cơ của người phạm tội là động sơ vụ lợi.

Điều 354 BLHS năm 2015 quy định 4 khung hình phạt:

– Khung cơ bản có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng cho trường hợp cấu thành cơ bản phản ánh. Cần chú ý là định lượng về “của hối lộ” đã có sự thay đổi: trong BLHS năm 1999 khung hình phạt này áp dụng đối với trường hợp “của hối lộ” có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng, BLHS năm 2015 quy định khung hình phạt này đối với trường hợp “của hối lộ” có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (mức tối đa đã tăng lên 10 lần).

– Khung tăng nặng có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được áp dụng cho trường phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng sau đây:

+ Phạm tội có tổ chức: là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn cấu kết chặt chẽ với người khác trong việc phạm tội nhận hối lộ.

+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn: là trường hợp người phạm tội nhận hối lộ để làm một việc vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình;

+ Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội nhận hối lộ để làm một việc vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình;

+ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước: là trường hợp người nhận hối lộ biết rõ của hối lộ là tài sản của cơ quan, tổ chức xã hội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước…và họ nhận thức được tính chất sở hữu của tài sản dùng vào hối lộ là tài sản của Nhà nước;

+ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt: là trường hợp người phạm tội chủ động đòi hỏi, yêu cầu, đề nghị, ép buộc, dọa dẫm người khác để họ đưa hối lộ cho mình;

+ Của hối lộ có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

+ Gây hậu quả thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng (đây là tình tiết mới thay thế cho tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác” trong BLHS năm 1999).

– Khung tăng nặng có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm được áp dụng khi có một trong những tình tiết tăng nặng sau đây:

+ Của hối lộ có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng (tình tiết mới được thay thế cho tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” trong BLHS năm 1999).

– Khung tăng nặng có mức phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được áp dụng khi có một trong những tình tiết tăng nặng sau đây:

+ Của hối lộ có giá trị từ 1 tỷ  đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên (tình tiết này thay thế cho tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác ” trong BLHS năm 1999).

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội nhận hối lộ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (khoản 5 Điều 354 BLHS năm 2015).

 

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Tiêu Dao