Tìm hiểu quy định về “Bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm” theo BLTTHS năm 2015

57
Đánh giá bài viết

Bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm đều là biện pháp thay thế biện pháp tạm giam, do cơ quan có thẩm quyền áp dụng để bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập, đúng thời gian quy định và không cản trở đến hoạt động tố tụng của vụ án.

Hai biện pháp này đều là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam, áp dụng trong cả 4 giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và giống nhau về người có thẩm quyền áp dụng (Điều 113 BLTTHS 2015). Chủ thể nhận bảo lĩnh, đặt tiền đều phải cam đoan và bảo đảm và chịu trách nhiệm bị can, bị cáo phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Vi phạm nghĩa vụ cam đoan sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

 

Ảnh minh họa.

Về cơ sở bảo đảm: Biện pháp bảo lĩnh (Điều 121 BLTTHS 2015) là dùng uy tín để bảo lĩnh; còn biện pháp đặt tiền để bảo đảm (Điều 122 BLTTHS năm 2015)  dùng tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Về điều kiện áp dụng: Đối với biện pháp bảo lĩnh thì căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.

Về trình tự, thủ tục:

Thủ tục bảo lĩnh: Người bảo lĩnh nộp đơn xin bảo lĩnh tới cơ quan có thẩm quyền quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh. Nếu là cá nhân bảo lĩnh thì đơn xin bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Nếu là tổ chức nhận bảo lĩnh thì đơn xin bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức; cá nhân, tổ chức làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

– Đặt tiền để bảo đảm: Khi xét thấy bị can, bị cáo có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì Tòa án gửi thông báo về việc đặt tiền để bảo đảm cho họ thông qua cơ sở giam giữ. Nếu có nguyện vọng xin được đặt tiền để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam thì bị can, bị cáo phải hoàn thành đơn và giấy ủy quyền (đối với người đã thành niên) và gửi cho cơ quan đã thông báo. Khi xét thấy các thủ tục giấy tờ đã được hoàn tất theo quy định thì Tòa án ra thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm gửi tại kho bạc nhà nước; Sau khi hoàn tất thủ tục nộp tiền Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Khi ra quyết định, Tòa án phải quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn (Hủy bỏ biện pháp tạm giam, thay thế bằng biện pháp đặt tiền để bảo đảm) và gửi ngay quyết định đó đến cơ sở đang giam giữ bị can, bị cáo để thi hành.

Chủ thể thực hiện:

– Biện pháp bảo lĩnh: Trong quan hệ bảo lĩnh bao giờ cũng có 03 chủ thể: người được bảo lĩnh (bị can, bị cáo), người nhận bảo lĩnh (02 người thân của bị can, bị cáo hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can, bị cáo công tác) và cơ quan tiến hành tố tụng.

– Biện pháp đặt tiền để bảo đảm: Quan hệ đặt tiền để bảo đảm có thể có 02 hoặc 03 chủ thể: có thể chỉ có bị can, bị cáo với cơ quan tiến hành tố tụng hoặc có thể có thêm người thân thích của bị can, bị cáo trong trường hợp người thân thích nhận đặt tiền hoặc tài sản thay cho bị cáo.

Hậu quả pháp lý:

– Biện pháp bảo lĩnh: Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì bị tạm giam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.

– Biện pháp đặt tiền để bảo đảm: Bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam. Số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

Quang Thắng