Tìm hiểu “Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” tại Điều 313 BLHS năm 2015 (sửa đổi , bổ sung năm 2017)

4193
Đánh giá bài viết

Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về phòng cháy hoặc chữa cháy, do người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS thực hiện xâm phạm an toàn cháy, nổ vô ý  gây nên những thiệt hại hoặc đe dọa gây nên những thiệt hại nhất định cho xã hội mà theo quy định phải chịu TNHS.

 

Ảnh minh họa.

 

Tội phạm này xâm phạm an toàn công cộng mà cụ thể là an toàn cháy, nổ từ việc vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Các quy định về phòng cháy, chữa cháy được xác định theo Luật phòng cháy, chữa cháy năm 2001 và Luật sửa đổi,bổ sung một số điều Luật phòng cháy. chữa cháy năm 2013.

Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực TNHS và đạt từ đủ 16 tuổi trở lên.

– Tội phạm được thể hiện ở hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

Các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong từng lĩnh vực, khu vực, đối tượng khác nhau được pháp luật về phòng cháy, chữa cháy quy định cụ thể để đảm bảo yêu cầu đặc thù về phòng cháy, chữa cháy của lĩnh vực, khu vực, đối tượng đó.

Vì vậy để xác định hành vi của một người có vi pháp quy định về phòng cháy, chữa cháy hay không, cần phải đối chiếu giữa hành vi của họ với các quy định cụ thể của pháp luật phòng cháy, chữa cháy của lĩnh vực, khu vực, đối tượng đó.

– Để truy cứu TNHS về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì cần kèm theo một trong các điều kiện sau:

+ Gây chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên.

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên;

+ Chưa gây hậu quả, nhưng có khả năng thực tế sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời. Đây là trường hợp hành vi vi phạm đã xảy ra, tính mạng, sức khỏe con người, tài sản đang trực tiếp bị đe dọa bị gây thiệt hại ngay tức khắc, nhưng do kịp thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khắc phục nên hậu quả đã không xảy ra.

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với hậu quả đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra là dấu hiệu bắt buộc cần xem xét trong cấu thành tội phạm.

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý. Người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Điều 313 quy định các khung hình phạt sau:

Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm trong những trường hợp sau đây:

+ Làm chết 01 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm nếu thuộc trong các trường hợp sau đây:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm trong trường hợp người phạm tội chưa gây hậu quả cho xã hội nhưng hành vi có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

 

Quang Thắng